Buổi sáng – bình thường như vô vàn những ngày khác. Có chăng là 1 chút buồn còn gợn lại bởi trận thua của Brazil ngày hôm qua. Sau 1 giấc ngủ dài, thấy mọi việc nhẹ nhàng hơn. Bỗng dưng muốn viết 1 entry…
Quá khứ - kỷ niệm là gì mà người ta lại hay lôi ra để ngắm nghía đến thế? Dám cá rằng “những gì đã qua” là thứ người ta hào hứng nhất mỗi khi nói chuyện hay đơn thuần là khi đối diện với chính mình. Như lúc này!
3.7.2010! 22 tuổi. (không hiểu sao dạo này lúc nào mình cũng nhắc đến tuổi tác, thời gian thế nhỉ, hic – già rồi chăng? Dở hơi quá!) 1 năm kể từ ngày ra trường – 1 năm bị ném vào cuộc sống để tự mà lăn lóc. Kể cũng hay! Không bị bất ngờ, không hụt hẫng, và cũng không có 1 cú sốc nào. Ít ra thì vẫn sống, sống tốt! Còn bây giờ, lại bắt đầu điệp khúc “Nhớ” muôn thủa…
Chuyện học…
Nhớ cái ngày nhận bằng tốt nghiệp. Cũng háo hức đấy, cũng mong chờ đấy! Cái áo cử nhân rộng thùng thình, nóng khủng khiếp thế mà khi mặc vào đứa nào cũng cười toe toét. Cả hội trường 10-12 chỉ 1 màu áo cử nhân. Cái quy định “người ngoài không được vào” lúc đầu thấy trường mình ích kỷ thế, nhưng lại vô tình tạo ra cho những tân cử nhận cảm giác thấy mình quan trọng, hee! Cũng lâng lâng sung sướng, cũng hãnh diện khi từng đứa một được đọc tên, đứng lên bục, nhận hoa, nhận bằng từ tay cô Hiệu trưởng. Cả trăm đứa (tương đương cả trăm phút) nhưng đứa nào cũng cảm thấy giây phút “của mình” là quan trọng nhất. Chuyện! Đèn flash lia lịa, tất cả vỗ tay rào rào cơ mà! Phát bằng xong, nhà trường còn tâm lý cho SV mặc nguyên áo cử nhân để ra chụp ảnh!;)) Còn nhớ cô vừa tuyên bố kết thúc Lễ phát bằng là tất cả như ong vỡ tổ, ào ào lao ra ngoài. Vẫn còn kịp nhìn thấy các thầy cô lắc đầu, cười bao dung. Vâng, thì chúng em cũng chỉ là những-đứa-trẻ-đang-lớn thôi mà! Đứa nào đứa nấy mặt sáng ngời, nhớn nhác gọi nhau chụp ảnh. Mấy vị phụ huynh đứng nhìn, cười hạnh phúc. Cả 1 không gian ngập tràn niềm tin và hi vọng . Thích nhất kiểu chụp ảnh tung mũ, mắt ngước lên. Cảm giác như những ước mơ được chắp cánh, bay cao, bay xa. Hình ảnh đẹp thật! Đẹp đến nao lòng! Tất cả như ngưng đọng, chỉ còn những nụ cười rạng rỡ, chỉ còn nhiệt huyết tiến lên phía trước. Phía trước là bầu trời! Thầm hi vọng cho tất cả sẽ trưởng thành!
Sau 1 năm, có những người bạn chẳng bao giờ gặp lại. Vẫn biết cái mong ước tất cả thành đạt là không tưởng nhưng vẫn thấy xót xa khi chứng kiến ai đó đã không thể cất cánh. Háo hức với tấm bằng cử nhân sư phạm, để ngay tức khắc bị cuộc sống quật cho 1 cú, đau! “Chỗ tao không có chỉ tiêu”, “tao không chạy được”… là những câu được nói được nghe nhiều nhất trong suốt mấy tháng sau này. Hành trình trở thành nhà giáo sao lắm gian nan! Thấy tủi hổ, ê chề cho tấm bằng trong tay. Nụ cười chưa được bao lâu vụt tắt. Nhiệt huyết chưa được cống hiến lụi tàn. Muốn được cống hiến phải “xin” phải “chạy”. Chưa bao giờ thấy tri thức lại rẻ rúng đến thế! Cuộc sống buộc mỗi đứa tự mài nhẵn mình để có thể đứng được. Mỗi đứa lại tiếp tục lựa chọn cho mình một con đường. Hơn 1 nửa may mắn được đứng trên bục giảng (dù chúng có kêu như vạc với đồng lương công chức còm). Phần còn lại rẽ ngang: làm việc trong nhà xuất bản, cộng tác viên các báo, làm nhân viên văn phòng… Dẫu sao loại này vẫn còn được gọi là có-1-công-việc-để-làm. Còn 1 bộ phận thất nghiệp. Nghĩ lại câu nói đùa nhau trong ngày nhận bằng: “Kể từ ngày mai chúng ta gia nhập vào đội ngũ thất nghiệp” mà thấy nghẹn đắng! Đấy là chưa kể có đứa “theo chồng bỏ cuộc chơi”, an phận làm vợ, làm mẹ - tạm thời (hay mãi mãi) cất tấm bằng sư phạm vào sâu trong hộc tủ. Lại còn có đứa chỉ còn biết úp mặt trên đồng ruộng – nơi mà cách đây vài năm, bố mẹ tiễn con lên Hà Nội học, chứa chan hy vọng con bước ra khỏi lũy tre làng. Bàn tay sau 4 năm cầm bút lại chai sần cầm cuốc, niềm hãnh diện thay bằng tủi hổ, khuôn mặt bố mẹ trĩu nặng ưu tư. 1 năm thôi – nhưng dấu vết quăng quật hằn in trên khuôn mặt. Đến nụ cười cũng chẳng còn rạng rỡ. Đến ánh mắt cũng không còn lấp lánh. Đến lời nói cũng ngập ngừng… Nghĩ mà thương! Nghĩ mà chua chát! Nhưng cũng giận vì đã khuất phục quá sớm. Cuộc sống không dễ dàng, nhưng càng khó khăn thì càng phải cố gắng. Buông xuôi là đầu hàng, mà đầu hàng là hèn nhát! 4 năm đâu phải dễ mà từ bỏ đâu! Có đáng không vì 1 chút thách thức mà đã nhận thất bại về mình?!? Mong sao mỗi đứa đều bản lĩnh, để ngày gặp lại tròn đầy.
Chuyện đi tình nguyện
Nhớ những mùa hè xanh tình nguyện. Yêu lắm, thương lắm những vùng đất đặt chân đến! Mỗi năm đến hẹn lại lên, bắt đầu 1-6 là phỏng vấn. Đi tình nguyện mà phải “tranh nhau”, phải thể hiện hết sức mình để mong là người được “chọn”. Rồi tiếp theo là những ngày tập huấn: tập hát, tập tổ chức trò chơi, tập kịch… Nhớ lắm những ngày nắng gắt rong ruổi khắp Hà Nội đi xin tài trợ để chả được đồng nào (mà mãi sau này mới biết đấy là cách các anh chị cho đi tập dượt và đơn giản đó là thử thách mà thôi). Nhớ lắm lần đi mua quà tặng mang lên Sơn La, ngạc nhiên khi chị chủ hàng hỏi: “em thích viết hóa đơn như thế nào?” Nhớ lắm chuyến xe Zin 3 cầu kinh hoàng vào bản – chông chênh giữa 1 bên là núi – 1 bên vực thẳm, mấy anh em ôm chặt lấy nhau, có người đã bật khóc vì sợ hãi. Nhớ lắm những bàn chân phồng rộp vì đi bộ gần 10km đường núi, mồ hôi đẫm áo, vừa đi vừa hát…quốc ca dưới bầu trời đêm, giống y như cái kiểu: “đi giữa trời khuya sao đêm lấp lánh”… Nhớ lắm những gương mặt ngơ ngác, lem luốc nhưng thánh thiện đến vô cùng của những em nhỏ Mường La. Nhớ lắm lần đầu tiên khóc thét lên khi bị ném bao cao su (bên trong là nước vo gạo) vào người để rồi sau đó thì vô cùng tự tin chu mỏ vào thổi bóng trêu anh em. Nhớ lắm những buổi tối mất điện, cả đội kéo nhau ra hiên nhà, đánh đàn ghi ta, hát bài “đồng đội” – để giờ đây mỗi khi vô tình nghe thấy bài hát này là trong lòng lại thấy nao nao…Nhớ lắm những buổi tọa đàm, những buổi giao lưu văn nghệ “cây nhà lá vườn” mà khi kết thúc, tất cả lặng người đi vì hạnh phúc. Nhìn lại những tấm ảnh: không son phấn, không quần áo đẹp, chân đi dép tổ ong, tóc rồi bù buộc gọn thế nhưng thấy sao mà đẹp thế, rạng rỡ thế! Trầm trồ, lặng ngắm và miên man trong miền Nhớ.! Nhớ…nhớ nhiều…nhớ lắm…
20 ngày qua nhanh! Đến ngày cuối, mới thấy hết cảm giác bồi hồi, bịn rịn không nỡ chia xa. Biết bao là kỷ niệm, biết bao là nghĩa tình. 20 ngày thực sự ý nghĩa. 20 ngày – mái tóc có thể trở nên xơ xác, da dẻ có thể sạm nắng, nhìn đứa nào đứa nấy cứ như từ dưới đất chui lên. Thế mà, 20 ngày đã biến những người chưa từng nói trước đám đông có thể chạy ào lên sân khấu “cướp” míc; biến những người chưa từng phải nấu cơm rửa bát có thể làm cả 1 mâm cỗ; biến những người ích kỷ nhất cũng trở nên bao dung, cởi mở hơn… Để rồi khi quay trở lại, mỗi người đều tự thấy mình trưởng thành hơn, giàu có hơn, trải nghiệm hơn.
Thời điểm này các em khóa dưới đang tíu tít chuẩn bị cho 1 chuyến đi mới. Nghĩ mà thấy chạnh lòng, cũng có chút tiếc nuối và hụt hẫng – đã qua rồi! Có nhiều em hỏi rằng: “chị ơi, đi tình nguyện có vui không?” Chỉ cười thôi! Và nói: “cứ đi đi, em sẽ biết!”
Thế đấy! Những gì nhận được từ những mùa tình nguyện nhiều hơn ta tưởng! Để nếu có ai đó hỏi rằng: “đi tình nguyện được gì?” ta tự xòe bàn tay ra, thấy ở đó đong đầy yêu thương.
Chuyện Tình yêu...
Nhớ đến mối tình đầu. 4 năm đại học cũng để lại 1 mối tình. 1 năm để hiểu, 1 năm để yêu và 1 năm để chia tay. Ừ thì nó đẹp, ừ thì nó mong manh…
Bạn không đẹp! Bạn không quá giỏi giang! Nhưng bạn tử tế và chân thành! Ngay từ lần đầu tiên chạm mặt đã biết rồi sẽ thích bạn, và rồi sẽ chia tay. Cái ngu ngốc là biết sẽ chia tay mà vẫn cứ thích, cứ yêu. Thích bạn trước, thích bạn ngay khi bạn đang có 1 tình yêu nồng nàn với người khác. Cố giấu đi những giọt nước mắt cho riêng mình, thích bạn 1 cách âm thầm, lặng lẽ. Nhưng vẫn tự tin có 1 ngày bạn sẽ thuộc về mình. Mối tình với bạn được coi là chuẩn mực của Khoa, được các em khóa dưới ngưỡng mộ. Nó hoàn hảo quá, hoàn hảo đến từng chi tiết. Phải chăng vì thế mà nó không đứng vững. Hoàn hảo đến mức mình “chọn” ngày để yêu, “chọn” ngày để chia tay. Khi quyết định rời xa, tưởng như tim vỡ vụn. Đau đớn, xót xa, cay đắng. Cảm giác như đang bay bỗng dưng rơi xuống 1 hố sâu hun hút mãi mà không chạm đáy. Chới với, hụt hẫng, như có thể tan ra…
Để 1 năm nhìn lại. Không thể không còn buồn. Nhưng không còn xót xa như trước. Thật mừng vì vẫn có thể coi nhau là bạn (đến cái kết cũng thật hoàn hảo phải không?), vẫn có thể nhắn tin trêu đùa nhau. Không còn yêu bạn nữa. Đúng hơn là chưa bao giờ yêu bạn? Đã cố tìm bằng được câu trả lời. Nhưng suy cho cùng thấy như thế thì bất nhẫn quá! Để làm gì khi tất cả đã qua? Để làm gì khi vẫn còn trong nhau 1 hình ảnh đẹp? Cảm ơn bạn nhiều! Cảm ơn vì mối tình đầu là bạn – bạn tuyệt vời! Cảm ơn bạn đã trao đi 1 tình yêu thuần khiết! Cảm ơn bạn đã dạy những bài học…đã lớn lên từ những điều tưởng như đơn giản thế!
1 năm nhìn lại, để thấy chẳng có nỗi đau nào là mãi mãi, chẳng có nỗi buồn nào là khôn nguôi. Sức chịu đựng và nghị lực của con người rất lớn, nếu có yếu đuối, bạc nhược chẳng qua là tự ám thị mà thôi.
Để thấy, tình yêu là thứ phải trân trọng, giữ gìn. Và đừng nghĩ rằng, trái tim chỉ 1 lần rung động. Mở lòng ra đón nhận những điều tốt đẹp đang chờ đợi.
Để thấy, mọi chuyện chỉ có tính thời điểm. Cứ đi theo phía có ánh sáng, chắc chắn sẽ nhìn thấy Mặt trời.
Chuyện Đời…
Nói chuyện đời, nghe có vẻ to tát! Có gì đâu, là những chuyện phiếm góp nhặt từ những trang báo lá cải, từ những câu chuyện vô thưởng vô phạt khi lê la vỉa hè.
Dạo này đọc báo thấy nhiều vụ hành hạ trẻ em. Đọc mà rùng mình cho những kẻ mà phần “Con” nhiều hơn phần “Người”. Có lẽ Chúa đã trao nhầm tâm hồn quỷ dữ trong lốt của con người. Những kẻ như thế chết 10 lần cũng đáng. Mỗi một sinh linh ra đời, dù giàu sang phú quý hay cơ cực bần hàn đều được nâng niu, đều được coi là báu vật. Cùng sinh ra trên đời nhưng tạo hóa khéo trớ trêu. Đứa thì õng ẹo vứt đồ ăn đi vì không thích, đứa thì lục từng thùng rác để thỏa mãn cơn đói. Đứa thì một vết muỗi đốt bố mẹ cũng xuýt xoa, xót ruột, đứa thì bị đánh đập đến trầy da tróc vẩy. Đứa thì xúng xính váy váy quần quần, đứa thì quanh năm manh áo tả tơi, tím bầm vì rét mướt. Đứa thì được chăm bẵm từng bữa ăn giấc ngủ, đứa thì quanh năm dầm mình dưới mưa bão, lặn lội nuôi sống cả gia đình… Âu cũng là số phận! Biết rằng khoảng cách giàu nghèo không bao giờ xóa bỏ nhưng ước rằng cái ranh giới ấy nhạt màu hơn.
Điên người hơn khi gần đây xôn xao vụ xây đường sắt cao tốc. Bực mình cho cái kiểu ăn to nói lớn. Có biết rằng vẫn còn đó bao người dân phải đu dây cáp treo vượt sông? Rồi lại cuống cuồng với dự án xây cổng chào 1000 năm Thăng Long – Hà Nội. Có biết rằng chỉ cách trung tâm Hà Nội 5km, vẫn còn đó những xóm ven sông “5 không”: không điện, không nước sạch, không trường học, không bệnh viện và không rất nhiều thứ. Rồi lại mấy vụ thi hoa hậu, người đẹp, thầu xem đơn vị nào được trao vương miện. Tổng giá trị giải thưởng cho hoa hậu là 500 triệu. Nhẩm tính với 500 triệu ấy có thể mổ tim cho bao đứa trẻ? Rồi nàng Thùy Dung lên báo khoe sẽ sang Nam Phi xem chung kết WC… Thấy bực mình! Mà cũng tại dở hơi, ai mượn đọc để chuốc giận về mình?
Hôm qua đi trên đường, gặp 1 cô nàng rõ xinh, ăn mặc đẹp, đi xe đẹp. Không may quẹt phải một cái xe máy ngược chiều thế là nàng quắc mắt lên: “Mù à? Mẹ kiếp!” Tất cả mọi người quay lại nhìn. Vẻ đẹp của nàng trở nên vô duyên và kệch cỡm.
Ôi, entry dài quá rùi. Mà hình như mình đang viết linh tinh lang tang. Uhm, thôi vậy! “Mua vui cũng được một vài trống canh”.