29 tháng 12, 2010

Đào Hoài Giang

           Đó là tên của cô giáo dạy Sử của tôi ngày lớp 9 - người đã khiến tôi tin rằng người-giỏi-Sử-cũng-là-người-giỏi! Nói vậy nghĩa là ngày ấy tôi (và có lẽ tư tưởng chung của rất nhiều người bây giờ) cho rằng Sử là môn học thuộc, người giỏi thì giỏi Toán, Lý... chứ mấy ai chọn Sử bao giờ.
           Cô Giang tôi, nếu xét về hình thức thì đầy thua thiệt. Cô bé nhỏ, không xinh và yếu nữa. Nhưng cô rất giỏi. Khi chúng tôi lít nha lít nhít lớp 8, lớp 9 thì cô đã là Thạc sỹ rồi. Ngày ấy Thạc sỹ là hoành tráng lắm chứ đâu phổ cập như bây giờ. Cả trường cấp 2 Nguyễn Chích - trường chuyên đoàng hoàng nhé, đã rất tự hào vì đa số GV trình độ ĐH, duy nhất cô Giang là Th.S thôi ạ. Ấn tượng nhất của lũ học trò về cô có lẽ là cách cô bước vào lớp, cúi chào kiểu Nhật - nghĩa là gập người, cúi thật sâu. Ai cũng thấy lạ và thích thú với điều đó.
           Lứa chúng tôi là lứa học sinh cuối cùng cô dạy bởi sau cô chuyển công tác lên Phòng Giáo dục - làm chuyên viên. Khi nghe cô chia sẻ đang lựa chọn "nên đi hay nên ở" trí óc non nớt của tôi đã nghĩ rằng: Nguyễn Chích là trường "xịn" như vậy thì cô còn đi đâu nữa? Thật là...
           Cô nói: Vì chúng tôi là lứa cuối cùng nên dù thế nào cũng phải đạt giải cao. Thứ nhất là cô muốn vậy, thứ hai là để tránh việc mọi người bàn ra tán vào rằng cô sắp đi nên không thực sự tâm huyết. Có lẽ vì thế mà cô đã thực sự "rút ruột" dạy dỗ chúng tôi.
           Tôi còn nhớ rõ là ngày ấy học phí ôn đội tuyển là 365 nghìn 1 đứa, tổng cộng 10 đứa cộng cả hỗ trợ nữa là khoảng 4 triệu. Với ngần ấy tiền lương, cô dạy chúng tôi suốt 3 tháng. Rất nhiều lần phô tô tài liệu, giấy kiểm tra, thậm chí cô mua cả bút kim cho lũ chúng tôi mà chẳng hề lấy tiền dù cô có dư dả gì. Thói quen viết bút kim, mực xanh của tôi có lẽ cũng được hình thành từ đó. Kỳ lạ là tôi nhớ rất nhiều thứ về cô, đặc biệt là những tâm sự bên lề mà cô kể cho chúng tôi - những đứa trẻ 13, 14 tuổi.
          ...Rằng cô sinh ra trong 1 gia cảnh đặc biệt. Cô sống cùng với cả những đứa em cùng cha khác mẹ. Nhà cô ở khu Mật Sơn, tính ra mỗi lượt cô phải đi hơn 10 km, mà toàn là đi nhờ xe, cô làm gì có xe máy. Nhà nghèo, cô phải tự lo cho cuộc sống của mình. Thời Đại học, đầu tiên cô là SV Văn khoa nhưng chả hiểu thế nào lại bị chuyển sang khoa Sử. Nhưng cô vẫn tốt nghiệp xuất sắc, được suất học bổng du học bên Đức. Song vì lý do sức khỏe, cô đành lỡ hẹn với giấc mơ của mình. Cuối cùng, như 1 quy luật bất thành văn, cô về quê, trở thành 1 cô giáo làng. Vâng, 1-thạc-sỹ-dạy-cấp-2-ở-quê! Và thật tình cờ, người đi thay suất học bổng của cô, sau này trở thành Giảng viên - dạy tôi môn Cơ sở Văn hóa ở trường Nhân Văn! (điều này tôi biết được cũng thật tình cờ từ những xâu chuỗi của cá nhân)
            Chuyện Tình yêu của cô cũng truân chuyên! Tôi vẫn thường được nghe mấy cậu trai nói rằng "cái khổ của người phụ nữ là đã xấu nhưng lại giỏi". Cô tôi không xinh và dĩ nhiên, không ngốc. Có phải vì thế mà lận đận chăng? Có 1 mối tình của cô mà chúng tôi đều biết: cô yêu 1 thầy giáo dạy Hóa trong trường, nhưng trớ trêu thay - thầy đã có vợ. Còn cô, cứ đơn phương với tình cảm của mình. Cứ như vây, gần 30 tuổi, cô vẫn lẻ bóng. Đến mãi sau này, học cấp 3 rồi, trong câu chuyện của chúng tôi về cô vẫn luôn thường trực câu hỏi: cô lấy chồng chưa nhỉ?
           Nhiều, nhiều lắm những kỷ niệm về cô. Và với tôi, con lợn sứ bé bé xinh xinh - cô tặng cho 10 đứa trước ngày thi Tỉnh như 1 vật may mắn là hình ảnh không bao giờ phai nhạt.
           Kết quả thi của cả đội tuyển đều tốt, như món quà cuối cùng chúng tôi có thể dành tặng cô. "Cô sẽ không bao giờ dạy học ở đây nữa, nếu có thì chỉ ở Lam Sơn hoặc Hồng Đức thôi". Tôi tin lời cô. Vào cấp 3 Lam Sơn, học với thầy Hồ (chứ không phải cô), điều này làm tôi thắc mắc và nuối tiếc vô cùng. Sau này thì tôi thấm thía hơn bao giờ hết cái lý do "cô không vào Lam Sơn dạy được" của cô. Và cả của tôi nữa
..........
          Đã 9 năm rồi nhưng xem ra ấn tượng về đội tuyển lớp 9 vẫn còn rõ rệt lắm. Xem nào: tôi, Quỳnh, Nguyễn Thanh, Huệ, Ánh, Hiền B, Thùy, Phương, Lan Anh, Trung "Mỏ Cằn". 10 đứa! Giờ này mỗi đứa 1 khác. Nghe đâu Hiền B (được giải 3 tỉnh nhé) đã dở dang con đường học hành, đã lấy chồng và có con rồi. Nguyễn Thanh, Huệ cùng học chuyên Sử cấp 3 nhưng lên ĐH, Thanh học "công tác xã hội", Huệ học hành chính. 6 đứa còn lại chả đứa theo theo Sử, chúng toàn học kinh tế, tài chính, hay ít ra là GV dạy Toán. Quỳnh thì nói vui là "viết tiếp giấc mơ còn dang dở" cho Cô, trở thành GV dạy Văn. Duy nhất tôi học Sử, tại trường ĐH của cô. Tôi sẽ làm thay cô những gì cô chưa làm được. Tôi hứa!
           Còn cô! Cô tôi giờ làm phó Phòng GD huyện Đông Sơn. Cô cũng đã lấy chồng rồi, chồng cô là bộ đội - họ hàng gì đấy với Thanh. Ngày xưa buồn cười là tôi luôn so sánh cô với Tản Đà - "tài cao, phận thấp, chí khí uất", giờ thì tôi chẳng bao giờ so sánh như vây cả vì tôi tin cô đã có tất cả những gì 1 người phụ nữ cần: 1 gia đình, 1 chỗ đứng! Và tôi cũng thôi suy nghĩ về cô.
           Có phải già không khi tôi có thể quên rất nhanh những thứ vừa xảy ra nhưng lại nhớ mãi những gì đã qua. 9 năm chỉ để thăm cô 1 lần dù gia đình nhỏ của cô chỉ cách nhà tôi gần 3 km. Tết này, nhất định, tôi sẽ trở lại thăm cô. Không phải với tư cách 1 đồng nghiệp, tôi không thích như thế, bởi vì, tôi mãi chỉ là, đứa học trò của cô, năm xưa, mà thôi....

28 tháng 12, 2010

Tại sao tôi học Sử?

            Hầu như ai gặp mình cũng đều thắc mắc: tại sao lại làm GV? tại sao lại học Sử? Đến mình còn thấy lạ, đôi khi còn băn khoăn tự hỏi nhưng âu nó cũng là duyên số vậy.
           Ngay từ bé tí mình đã được bố mẹ đầu tư vào chuyện học hành. Ngày ấy lớp 3 mà đã học gia sư là kinh lắm. Mọi người cứ bảo bây giờ thương trẻ con bị nhồi nhét nhiều chứ mình thấy mình còn kinh khủng hơn. Lớp 1 đã phải lồm cồm bò dậy từ 5h sáng để học bài, 1 ngày bố mẹ giao cho phải làm xong 10 bài toán trong sách "nâng cao" hoặc "bồi dưỡng", làm 1 bài văn (được tính bằng số trang). Còn nhớ phần lời giải phía sau bao giờ bố mẹ cũng cắt ra giữ riêng, mình chuyện rình mò, chôm chỉa để chép cho nhanh. Bắt đầu lớp 3 đã làm quen với các thể loại thi HSG: từ cấp trường, cấp thành phố, rồi cấp tỉnh, cấp QG (hồi ấy thì cái cấp này mình không đủ trình để được đi thi, hehe). Gắn liền với nó là ôn luyện, bồi dưỡng... Và cũng vì thế mà chuyển trường liên tục: tiểu học Trần Phú, Ba Đình, Nguyễn Chích...
           Mình cũng may mắn được học toàn thầy giỏi. Cứ nghe thầy nào có tiếng là các bố mẹ lại lục tục kéo nhau đến nhà thầy xin học. Sở dĩ mình gọi là "các bố mẹ" vì ngày ấy cả phố có 5 đứa được coi là học hành giỏi giang, được học trường chuyên lớp chọn cơ mà, oách lắm! Nên thành ra  mỗi đứa có những 10 bố mẹ liền.
         Cứ thế, mình từ bé đã được tạo điều kiện học hành bài bản, lớp lang ghê lắm. Bước ngoặt là năm lớp 9. Từ lớp 8 là mình đã chuyển từ trường Trần Phú (gần nhà) lên Nguyễn Chích vì dù là ở "tuyến huyện" nhưng rõ ràng là Nguyễn Chích là trường chuyên, chất hơn hẳn. Tất nhiên là mình lại vào học ở lớp 9B - chuyên Toán. Ừ thì vẫn bị mang tiếng là học giỏi nhưng cái giỏi "cấp phường" của mình chỉ là con tép so với "tuyến huyện" thôi. Nên dù lớp 8 có bon chen đi thi HSG huyện môn Hóa hay môn TA vì vẫn nhận ra rằng không thể có 1 trong 10 suất thi tỉnh các môn Toán, Lý, Hóa được. Nhưng ở trường Nguyễn Chích mà không được đi thi tỉnh thì...kỳ cục lắm, mà mình còn sợ bị đuổi về trường cũ nữa chứ, cho nên cuối cùng thì nhảy phắt sang đội tuyển Sử. Nhưng tại sao lại không phải Văn hay Địa mà nhất định là Sử? Là thế này ạ:
           Môn Văn dĩ nhiên là không thể vì bên cạnh lớp 9B là cả 1 "ông lớn" 9C - chuyên Văn với 1 loạt các tay "anh chị", không đấu được (bây giờ lớp chuyên Văn cũng được lắm). Lại phải lan man thêm 1 chút về anh Hưng - người học cùng, "đối thủ cạnh tranh" với mình suốt 9 năm. 2 anh em học với nhau, ngày nào đi học về các mẹ cũng so điểm, đứa nào thấp điểm hơn thì tha hồ bị đem ra so sánh các kiểu. Hôm ấy trong giờ học Sử, ông Hưng xung phong phát biểu, được cô cho 9 điểm. Thế là câu hỏi tiếp theo (mình còn nhớ rõ câu hỏi về nguyên nhân cách mạng tư sản Anh), mình xung phong (nhìn sách nói rất chi trôi chảy - dù chả hiểu mấy) và được 10 điểm, hiii. Thế là từ đó mình bị đóng đinh là "học được" Sử, haizzz! Vây nên khi (phải) vào 1 đội tuyển nào đó, mình đã vào đội tuyển Sử.
          Nói thật ngày ấy học chuyên Toán mà (phải) học để thi HSG Sử mình thấy...nhục lắm.!Bố mẹ thì điên đảo cả lên, bắt mình bỏ. Mặc dù chẳng hề thích thật nhưng làm sao đủ can đảm để từ bỏ cơ chứ. Ngày đi thi huyện  (lớp 9) còn chả ai biết cơ mà. Kết quả là 10 đứa đi thi, có 9 giải. Và mình...không được giải gì! Tiếp tục đi thi tỉnh (không giống các nơi khác, ở huyện Đông Sơn, thi huyện gần như là thủ tục, lập đội tuyển 10 đứa thi huyện xong thi tỉnh, không nhất thiết đạt giải), lần này...được giải nhất!
          Sau đó thì thi cấp 3. Với trường Nguyễn Chích, và đặc biệt là với 90 đứa trong đội tuyển, các thầy cô sẽ tự động làm hồ sơ thi Lam Sơn. Và rõ ràng, chắc chắn là mình thi và chuyên Sử. Với cái cơ chế cộng điểm thưởng như năm ấy thì mình trượt còn khó hơn đậu. Và (lại) có mặt trong 1 tập thể dính dáng đến môn Sử. Bố mẹ thì không còn điên đảo, nhưng vẫn cực kỳ không thích mình học Sử. Và mình, cũng không thích.
          3 năm cấp 3, vẫn chưa thoát được các cuộc thi liên miên, rồi các khóa 'luyện gà chọi". Rồi lại thi tỉnh, lại thi QG, lại đạt giải. Giờ thì cái cây mình đã trèo cao lắm rồi, đâu có thể nhảy xuống được nữa đâu.
          Mình không phải thi ĐH, được chọn 1 trường nào đấy có khối C là được. Rõ ràng là thích báo chí, rõ ràng là thích những nghề được đứng trước ống kính cơ, nhưng rồi lần thứ 3 lại không đủ can đảm - rõ là tư tưởng cầu an, tiếc và lo lắng nếu không được học đúng thế mạnh của mình, chọn Sư phạm Sử.  Chọn SP vì ít ra không đứng trước ống kính thì đứng trước học trò, được "nói cho người khác nghe". Bố mẹ không còn "cực kỳ không thích" nữa nhưng vẫn luôn luôn so sánh, luôn luôn "giá như"...
          Hiện tại, học Cao học - vẫn Lịch sử nhé nhưng là chuyên ngành Lý luận và phương pháp dạy học. Qua tất cả những gì đã trải qua, đã cố gắng, đã thể hiện... bố mẹ thi thoảng vẫn "tiếc": tại sao lại học Sử? nhưng 2 người cũng đã hài lòng.
         Đấy! "Sai 1 ly, đi 1 dặm" là như thế đấy! Mình là dân Sử nhá, thế mà trong đầu luôn nghĩ rằng mình là gốc chuyên Toán kia.

27 tháng 12, 2010

27-12

           Mấy hôm nay lạnh thật! Trong này cảm thấy bình thường thế thôi chứ mở cửa ra thì mới biết: gió thốc ào ào, lạnh cóng. Tự nhiên nhớ nhà quá thể, muốn về đắp chăn ấm, rủ rỉ rù rì chuyện trò với 2 đứa em, loăng quăng chạy ra chạy vào...
          Cả buổi sáng hôm nay tám chuyện với Quế. 2 đứa như 2 bà già, nhận xét cái này. đánh giá cái kia, đưa ra quan điểm này nọ, buồn cười thật. Qua ăn cơm nhà cô H rồi mấy cô trò xem VNidol suốt buổi chiều. Tối đi học, làm bài kiểm tra giữa kỳ, đề dễ ợt mà vẫn làm sai mới hay chứ.
         Hiện tại thì đúng là chả biết viết gì cho cái entry này đây. Thật! Định viết về bà ngoại, định viết về mấy ngày vừa rồi, nhưng mà chỉ là "định" thôi, haizz!
         Hôm nay là 27-12. Không hiểu sao mình rất nhớ ngày này trong năm: về lý thuyết thì đây là ngày đông chí - ngày lạnh nhất, rồi hôm nay là ngày SN của đứa cháu mình (đứa cháu đầu tiên của họ ngoại nên mình nhớ lắm)... Và hình như váng vất đâu đó những cảm giác của cái gọi là "những ngày cuối năm". Ừ nhỉ?! Lại sắp qua 1 năm, vào những ngày này thấy xốn xang lắm, cảm nhận rõ rệt hơn là thời gian cứ trôi qua kẽ tay mà dù có cố khum khum bàn tay vào nhau vẫn không thể nào hứng được. Mà lại nhắc về thời gian, lại hồi cố - cái bệnh của già cỗi đây mà. Hay là mình cứ đổ cho là lây của bạn Quế nhỉ! :)
        Hôm nay là ngày lạnh nhất trong năm! Leo ngheo nghĩ linh tinh lang tang. Giá mà có ai rủ rỉ rù rì thì hay biết mấy nhỉ...

25 tháng 12, 2010

Noel 2010

           Giáng Sinh năm nay không rộn ràng, xí xớn như mọi mọi năm: không lang thang khắp nơi chụp ảnh, không có thời gian đi lượn lờ phố phường, không háo hức soạn tin nhắn chúc mừng cho cả list trong điện thoai, lại về đi đi về về như con thoi...
          Cũng có 1 hang đá bé bé xinh xinh ở trong nhà, cũng có tiệc Giáng Sinh (dù không phải ở nhà mình), cũng có quà, cũng có những lời chúc mừng...
          Năm nay bận rộn hơn, nhưng cảm thấy vui hơn thì phải. Vì đã có 1 GIáng Sinh trọn vẹn, cả ở nơi đây, cả ở quê nhà.
          Với mình, Giáng Sinh bao giờ cũng có ý nghĩa đặc biệt!!!

13 tháng 12, 2010

Lớp học đầu tiên

          Cuối cùng cũng hết 90 tiết Chính trị. Cuối cùng thì cũng hoàn thành xong "nhiệm vụ". Cuối cùng thì cũng được nhận đồng lương "chính thống" đầu tiên. Nói là chính thống nghĩa là tiền này từ việc mình dạy học - đứng trên bục giảng chứ không phải làm vệc văn phòng hay cong lưng đi gia sư như hồi năm nhất. Cảm xúc thật là khó tả. Vui, hạnh phúc, hài lòng, và cả tự hào nữa.
          Có thể nói mình đã làm tốt. Mình đã cố gắng hết sức, thậm chí là "rút ruột" bao nhiêu là bài học, bao nhiêu kinh nghiệm mình có để trao đổi với học trò. Mình đã đạt được mục tiêu khi bắt đầu. Cái mình lãi nhất là những tình cảm quý mến, sự ngưỡng mộ rất chân thành mà họ dành cho mình. Nhìn vào mắt của những người lắng nghe, mình càng cảm thấy tự tin hơn bao giờ hết. Thật sự mong muốn có 1 môi trường để mình có thể thỏa sức vẫy vùng, thỏa sức đốt cháy đam mê và tâm huyết.
          Đó quả là 1 sự khởi đầu tốt đẹp. Tự biết sẽ phải trở thành 1 GV như thế nào. Cố gắng và hoàn toàn tin rằng sẽ làm được!
          Cảm ơn KTNH1-K9! Cảm ơn chính mình, Nhung ạ!

9 tháng 12, 2010

Tình đầu *

             Lũ chúng tôi sinh ra và lớn lên trong cùng một khu tập thể. Đi học cũng luôn chung trường, chung lớp, thậm chí chung bàn. Hai người là mối tình đầu dài đằng đẵng của nhau đến hơn chục năm trời và đều là bạn thân thiết của tôi từ thời con nít. Cả hai đẹp nổi tiếng một thời, gia đình lại khá giả. Khi thiên hạ còn phải phồng mang trợn mắt nhai đến nghẹn họng cái món bo bo và bánh nắp hầm ("đặc sản" thời bao cấp) thì “anh, ả” đã ăn mặc đẹp, cưỡi xe Mifa và Eska lượn phố. Đi đâu cũng dính nhau như nhựa. Xuất hiện ở đâu ai cũng phải ngoái nhìn và phụt ra mấy câu trầm trồ, thán phục. Đẹp đôi là thế, yêu nhau là thế, môn đăng hộ đối là thế nhưng rốt cuộc đám cưới cũng không thành. Ông Tơ bà Nguyệt chắc mắt toét. Chuẩn bị cưới thì giải tán. Cả hai tưởng chết được vì đau khổ. Sau vài năm, cô bạn tôi lấy chồng. Không ngờ cái số bạn son, vớ được anh chồng tử tế nhất mực. Bạn tôi hạnh phúc tràn trề. Không ít lần bạn bảo: mối tình đầu không thành hóa ra lại là may. Còn tôi, chua ngoa hơn, bảo bạn: đáng ra mày phải nói “Giời còn thương tao nên không bắt tao cưới mối tình đầu”.
           Tổ sư bố đồ con đĩ. Mày chỉ là con Ô-sin già trong cái nhà này thôi nhá. Tao cho mày ở cái nhà này ngày nào thì mày biết ngày đấy nhá.
           Cứ thế, suốt cả thời gian dài, ngày nào cũng vậy, cứ gần nửa đêm lão hàng xóm lại gầm lên chửi bới vợ ầm ĩ.
           Chị vợ là người trung hậu, tử tế và …. nhẫn nhục.
           Không ít lần, một giờ sáng hàng xóm vẫn còn thấy chị vợ lẳng lặng dắt xe ra khỏi nhà.
           Cả hai vợ chồng đều thuộc loại thành đạt và giàu có trong xã hội.
           Nghe nói, hai người là bạn học từ thời con nít và là mối tình đầu của nhau. Yêu nhau đắm đuối đến cả chục năm mới kết hôn.
          Sực nhớ có lần ông cậu ruột tôi (nhà thơ nên thường “ngoa ngôn”) bảo: khốn nạn cho ai lấy phải mối tình đầu.
          Chẳng biết với thiên hạ thì thế nào, còn tôi, cách đây đã nhiều năm, trong một lần chát chit lăng nhăng với người yêu đầu (từ thời con nít) đã cao hứng dốc toẹt: “Đến chết vẫn không hiểu làm sao ngày xưa tớ có thể yêu được cậu”, ha ha…
         Nghe thiên hạ đồn rằng hình như cậu này vẫn chưa lấy vợ.
         Dám chắc là mình không có tội hay chứng cứ liên lụy trong chuyện này, hê hê…
                                                       ----------------
                                                                                                       N.Thị Phương Hoa
-------------------------------------------------------------------------------
* Bài viết từ blog của cô giáo Nguyễn Thị Phương Hoa - GV bộ môn Tâm lý - Giáo dục

6 tháng 12, 2010

Tuần Sinh nhật

          Thế là tớ cũng đã tròn 22 tuổi, bước sang tuổi 23 và chỉ gần 1 tháng nữa thôi là có quyền nói 24. Chả biết nên vui hay nên buồn nữa cơ các bạn của tớ ạ. Ngày trước tớ cứ mong mãi, mong mãi cho mình 20 tuổi - cho nó người nhớn. Giờ thì cứ vùn vụt vùn vụt. Cái tuổi nó đuổi cái xuân đi là như thế đấy, hic!
           Chẳng bao giờ tổ chức SN 1 ngày cả, mà cứ phải là cả tuần. CN tuần trước là dành cho các bạn cấp 3. Mọi người đã có 1 bữa kara thật vui, thật thích. Bạn Thành tỏa sáng với "sông Đakrong mùa xuân về" và "Mắt nai cha cha cha". Bạn Dũng thì gần như "thoát xác" với việc lần đầu tiên cướp mic. Đêm nhạc cũng ghi nhận giọng ca triển vọng của Huyền cô nương và nàng Thúy. Tất nhiên, Hiền Nguyễn và Xuân Quỳnh Nguyễn Thị vẫn giữ được phong độ ổn định của mình. Chỉ riêng có tớ là sa sút, lạc giọng ngay từ những bài đầu tiên. Chán thế! Nhưng ít ra tớ cũng được ghi nhận là hôm ấy hiền lành, giản dị hơn hẳn. Hehe. Đại nhạc hội kết thúc vui vẻ. Tớ cảm ơn các bạn nhiều nhiề!
         Tiếp theo, giữa tuần là bữa lẩu được tổ chức tại nhà tớ, vào ngày SN chính. Lần này thì có Quỳnh, Dũng, bạn Tuấn và các anh chị tớ. SN có hoa, có nến, có bánh gato, có mực (của bạn Dũng); có gà (của bạn Thảo); có pờ rô jếch (của bạn Quế)... Những món quà, những tấm thiệp thật đặc biệt, Nhận những món quà của các bạn, tớ cảm thấy cực kỳ hạnh phúc.
         Và cuối tuần, bạn Bình từ Vinh ra. Thế là lại có cớ để tụ tập, để chè chén. Những món quà nhận được của các bạn thân yêu làm tớ ấm áp vô cùng (cả nghĩa đen và nghĩa bóng). Thương bạn lắm lắm! Yêu bạn lắm lắm! Tớ luôn luôn tự hào về tình bạn của chúng ta, và tớ luôn mong muốn nó sẽ bền chặt.
         Vậy là, sinh nhật tớ năm nay - dù tớ không còn quá háo hức, hồi hộp như trước, nhưng nó đã thật đặc biệt! Còn nhiều lắm những điều tớ cảm nhận được trong SN năm nay nhưng bây giờ thì tớ không thể diễn tả hết được. Tớ chỉ biết là tớ đã rất vui, tớ cảm ơn các bạn! Hy vọng rằng sang tuổi mới, tớ sẽ có thật nhiều niềm vui và những điều mới mẻ... và tớ sẽ share cho các bạn, nhé! :)