31 tháng 8, 2010

Chuyện tào lao

            Chát chít với mấy đứa bạn đại học, nói chuyện mà cười lăn cười bò ra. Cũng chỉ xung quanh mấy chuyện học hành, công việc. Hài hước lắm lắm ý!

Gặp nhau là cười như này này

             Đầu tiên là chuyện mấy nàng đi thi cao học, mới thi ngày hôm kia. Định hỏi "có làm được bài không?", may mà chưa kịp nhấn Enter để kịp sửa lại "làm tốt chứ?". Hỏi 4 nàng thì cả 4 nàng mếu máo: chết rồi, t đậu rồi m ơi. Bọn này điêu toa thật, lại còn giả vờ giả vịt làm như khổ lắm ấy! Thì ra chuyện là như này:
             Sau 1 năm ra trường, các nàng về quê đi dạy, sống 1 cuộc sống an nhàn, điền viên: sáng sáng đi dạy, tối tối soạn chấm bài, giáo án; nhà ở chả mất tiền; cơm bố mẹ nuôi; lương chỉ để tiêu vặt. Sướng thế chứ! Bố mẹ cũng khoái vì con cái ở cùng, nghề nghiệp ổn định, chỉ mong xuất khẩu được là coi như "xong 1 đứa" :)) Nhưng mọi thứ có như các cụ mong muốn đâu! Được lũ con cái chẳng đứa nào chịu an phận, sau 1 năm làm thầy lại thích làm trò cơ, í ới nhau đi học tiếp. Dĩ nhiên là chẳng bố mẹ nào nỡ "vùi dập" khát vọng của con cả nhưng thực lòng thì chả ai thích. Tư tưởng của các cụ "như thế này là tốt rồi" mà, hic. Sau khi đi thi về, các cụ vồn vã hỏi han. Chúng bảo chắc là đỗ rồi, thế là "mặt các cụ đang hớn hở bỗng ngắn tũn ra", haha! (con xin lỗi các bác ạ, nhưng mà không thể không cười được ạ) >.< Thế mới biết bố mẹ mềnh tuyệt vời, ủng hộ 2 tay 2 chân cho mềnh đi học, lại còn nói "cứ học được đến đâu thì học, tao nuôi", hehe!
            Mềnh chả phải là bố mẹ chúng phải buồn vì sợ con đi mất. Mềnh cũng chả phải bọn chúng phải cuống lên để xếp lịch vừa đi dạy vừa đi học. Mềnh chỉ biết thời gian tới sẽ rất vui vì hội hè miên man thôi, (tội lỗi, tội lỗi quá!)- lớp mình đang phổ cập CH rùi! haha.

Những lúc ăn uống là mềnh vui nhất :P

           Thứ hai là chuyện công việc. Khổ cái thân mềnh chưa được đứng trên bục giảng thì khao khát là thế, bọn chúng thì kêu ầm ĩ cả lên, nào là "chán" (được ra oai với bọn trẻ thì chán cái giề), nào là "HS dốt lắm" (không có HS dốt, chỉ có GV tồi thôi, hừ! - mình vừa được học thế!:P), nào là "không được áp dụng những thứ mình học" (cứ lo dạy đủ hãy nghĩ đến dạy hay các nàng ơi)... Đấy! Chúng kêu ca bao nhiêu thứ. Mình lại đóng vai 1 người chững chạc để phân tích, khuyên can chứ! Khà khà... (có đứa nào biết mình là chúa than đâu ;P)
           Loanh quanh luẩn quẩn lại quay về chủ đề tình yêu tình báo. Xem nào, lớp mình 9 đứa "bỏ cuộc chơi" roài, chuẩn bị năm nay vài đứa, sang năm chắc "xả hàng tồn kho" hết. Hỏi đứa bạn thân thân "m định thế nào", nó tỉnh bơ "yên tâm là sang năm dì có cháu bế" Choáng nặng! Thế có chết mềnh không cơ chứ! Bao giờ cho đến tháng Mười đây hả trời????!!!!
...............
            Ngẫm đi ngẫm lại thì mọi thứ cũng mềnh cũng không đến nỗi tệ, thậm chí là cũng ổn ổn hơn so với khối đứa. Cho nên mềnh cũng chả phải lo lắng gì, chả phải để tâm đến chuyện "tháng Mười" ấy làm gì cho mệt. Cứ học hành cho chăm, cứ làm việc cho tốt, cứ tung tẩy cho sướng đi!

Kệ, có ai đánh thuế đâu mà sợ, Nhung nhỉ?! :))

30 tháng 8, 2010

Chút gợn


             Những ngày này, lòng mình nặng trĩu. Như 1 cái chăn sũng nước trong những ngày trời âm u, không có nắng. Thực lòng thấy buồn và bức bối trong người. Công việc, học hành cứ rối tinh cả lên như 1 mớ bòng bong mà mình cố sức gỡ ra nhưng càng lúc lại càng rối. Suy nghĩ nhiều thành ra phức tạp. Mà phức tạp quá lại mệt mỏi. Mệt mỏi dẫn đến dễ cáu gắt. Lúc ấy mà soi vào gương thì thấy ôi sao mà xấu xí…
          Cuộc đời là vốn đã nặng vì phải cõng những nồi buồn lần lượt chờ được đặt tên. Đôi khi mình cảm thấy quá sức khi nuối tiếc những gì đã qua và lo lắng về những thứ chưa đến trong khi thực tại lại bị lãng quên đến tội nghiệp. Tự cười vào mặt mình: Suy cho cùng thì chẳng ai gây áp lực cho mình cả, chỉ tự mình làm khổ mình mà thôi.
             “Thực lòng mình rất hiểu những khó khăn, trăn trở của N trên con đường vươn lên trong cuộc sống, bởi vì mình cũng đang hàng ngày trăn trở, nỗ lực trên hành trình ấy. Với người khác thì không biết, còn với mình hành trình ấy thật nhọc nhằn và thành công luôn ít hơn thất bại. Nhiều khi mình cũng thấy thật mệt mỏi. Nhưng muốn đạt được những điều mình mong muốn thì lại phải cố gắng bước tiếp thôi”
              Chỉ là 1 chút gợn mà thôi . Mình học cách bình thản đón nhận. Và tất nhiên là sẽ cười thật tươi. Vì sao ư? “Vì không cười thì em biết giấu niềm vui vào đâu?”

22 tháng 8, 2010

???

Có phải là mình đã quá nhạy cảm không?! Không nói thì sao mà biết được. Mọi người ai cũng bận rộn mà. Mình cần nhiều hơn thế! Cảm giác này thật là bất lực và thấy tủi thân kinh khủng. Một ngày nắng thế này mà lòng mình cứ âm u.

Ngã

              Trên đường đi làm, đang vi vút thì..."ầm" - mình bị ngã xe. Cú va chạm nhanh đến mức mình chẳng kịp định thần được gì. Gã đâm xe vào mình mặt mày tái mét (giống mình). Mình có làm gì đâu cơ chứ, không nói gì. Một phần vì choáng, vì mệt, vì sợ, vì nhìn thấy máu chảy ra ở bàn tay và 2 chân. Gã đưa mình về trường, gần về đến nơi thì dừng lại, xin lỗi, thanh minh... (mình cũng chả nghe được gì) rồi sau đó đi mất. Nghĩ lại thấy tội cho gã, chắc là cũng sợ lắm vì lúc ngồi sau mình mệt gục hẳn vào vai gã. Cái cảnh đứng một mình với bộ quần áo đầy đất cát, tay chân xước xát thật là... Cố gắng lắm để đi xe về đến trường. Sau khi cô y tá rửa vết thương, tiêm phòng nhiễm trùng mình bắt đầu thấy "tỉnh" dần. Về trường vẫn ngồi bàn làm việc như thật, ngoài mấy anh chị cùng phòng ra thì chẳng ai biết mình áo sơ mi-quần sooc cả. (may mà không phải tiếp em học sinh nào).
           Cứ nghĩ là chẳng có chuyện gì đâu, mình cũng không thấy đau mấy mà. Nhưng tình hình càng ngày càng tệ. Buổi chiều đứa bạn thân lên mà thấy tủi thân quá thể. Lúc nó đi rồi mới dám khóc, không biết có phải vì đau không?
          Buổi tối, tháo băng ra để cho vết thương khô miệng. Đau nhưng vẫn cố được. Nhưng đến lúc rửa bằng nước muối thì không thể chịu nổi. Bỏ qua những ngại ngùng, bỏ qua những lời trấn an của mọi người, mình khóc nức nở, khóc ròng rã suốt 1 tiếng đồng hồ :( Chắc thấy tình cảnh của mình thảm hại lắm, anh bảo vệ phải chạy đi mua thuốc giảm đau. Uống thuốc xong mới thôi vật vã (xấu hổ ghê gớm).
         Mọi thứ ổn ổn đến đêm. Nằm mãi nên mệt rã rời, chân tay ê ẩm, những chỗ đau lại bắt đầu. Thế mới biết 1 đêm dài như thế nào.
         Sáng nay loay hoay mãi mới mặc xong cái váy. Rút kinh nghiệm tối qua, rửa nước muối xong là tống luôn viên thuốc giảm đau. Đón HS, GV xong là mình ôm cái điện thoại, chui vào giường. Mệt quá đôi chân này, muốn tìm chỗ nghỉ ngơi!
         Tất nhiên bị như này chẳng sung sướng tí nào. Nhưng...
         Thế mới biết "rất có thể ngày mai sẽ khác", biết trân trọng những giây phút hiện tại, sống như hôm nay là ngày cuối cùng.
         Thế mới biết quý giá tình cảm, sự san sẻ từ đồng nghiệp đáng quý biết bao nhiêu.
         Thế mới biết, có người thân bên cạnh thực sự là niềm hạnh phúc.
         Hình như lại bắt đầu đau. Khi người ta ốm người ta có quyền trở thành 1 đứa trẻ, huống hồ mình cũng chưa hẳn đã lớn khôn.

20 tháng 8, 2010

Em Hương

             - "Chị ơi, chị đang làm gì đó? Chị có thể nghe em hát 1 bài được không? Em thèm hát quá!"
              Rồi em hát cho tôi nghe mấy bài nhạc trẻ, mấy bài Tiếng Anh rồi cả mấy bài của Ngọc Khuê. Rồi em véo von nói cho tôi nghe giọng Bắc, giọng Hà Tĩnh rồi cả giọng Nam. Nghe em hát, tôi chỉ biết cười thôi. Cười và thấy cay cay mắt!
              Quê nội tôi ở Hà Tĩnh. Ông nội tôi và bà ngoại của em là 2 anh em ruột. Nếu chỉ như vậy thôi thì cũng không hẳn có nhiều điểm gắn bó. Mối liên kết ở đây là bố tôi và mẹ của em đều lập nghiệp ở Thanh Hóa và làm dâu rể Xứ này. Nhà em ở thị trấn Giắt-Triệu Sơn, cách nhà tôi 20km. Trong trí nhớ của tôi thì cứ mỗi lần được lên nhà "cô Trình" chơi là thích lắm, lăng xăng chuẩn bị cứ như là 1 chuyến đi xa.
             Nhà có 2 chị em gái: em và em Hoa kém 2 tuổi. 2 đứa trắng trẻo, tròn như hai cục bột. Em được cả nhà cưng chiều, đặc biệt là bố và bà nội. Em vẫn nói với tôi: em yêu bố nhất trên đời, thứ hai là bà nội. Em là 1 đứa trẻ thông minh, cá tính và đáo để. Mỗi khi giận dỗi mẹ, em lại ra vườn cây sau nhà, lấy những hạt sương đọng trên lá cây nhỏ vào mắt, rồi bóp mũi cho đỏ lên, làm giống như mình đang khóc vậy. Em tôi cứ hồn nhiên lớn lên, trong sáng và đáng yêu như hoa như cỏ.
             Em sẽ có 1 cuộc sống bình yên như thế nếu như không có loạt sự kiện dồn dập ập đến. 8 tuổi, em gặp biến cố đầu tiên trong đời. Bố em bị tai nạn giao thông trên đường đi làm về. Chú mất mà trong tay vẫn nắm chặt gói bánh mang về cho con sau buổi họp ở cơ quan. Người em yêu nhất trên đời không còn nữa. Cả mấy tháng sau em vẫn còn ngằn ngặt khóc cả đêm đòi bố, cô tôi phải đưa cho em cái áo của bố mới hòng dỗ em ngủ. Em bơ vơ, côi cút như con nai lạc.
           Chú ra đi, gia đình em tôi đứng trước 1 cơn khủng hoảng. Trụ cột tinh thần và vật chất không còn, 1 nách 2 con: đứa 8 tuổi, đứa lên 6, cô tôi vật vã lao vào cuộc mưu sinh. Cô trồng hoa để bán, rồi đi học nghề in thiếp mời. Dạo ấy, cô thường gửi con về bà nội để xuống thành phố học nghề. Tôi vẫn không quên được mùi bồ kết trên tóc mà tôi vẫn dúi mũi vào hít hà khi ngủ cùng cô. Cô vẫn đẹp lắm, vẻ đẹp của người đàn bà góa mới ngoài 30 tuổi.
           Gánh nặng cơm áo gạo tiền dẫu sao vẫn không bằng áp lực về tinh thần. Cái chết đột ngột của chú kéo theo bao hệ lụy: xâu xé về tài sản, về các loại bảo hiểm, chế độ, những hạch sách của thôn xã về những điều mà xưa nay một mình chú giải quyết. Cực chẳng đã, cô mang 2 đứa xuống nhà tôi ở (có lẽ đó là nơi "an toàn" nhất bấy giờ) suốt 3 tháng hè. Như vậy là nhà tôi có đến 5 đứa trẻ, lít nha lít nhít. Đó là khoảng thời gian mà tôi không thể quên được, tưởng như đã xa xôi nhưng đôi khi vẫn dội về trong trí nhớ...
           Giờ ăn cơm, bố tôi ép 2 đứa ăn đủ 3 bát mới được đứng dậy để có lần em Hoa ôm bụng kêu đau mà chẳng dám nói cho đến khi hỏi làm sao mới mếu máo trả lời: "cháu no quá" Buổi chiều tôi thường xả đầy nước trong bồn tắm rồi mấy chị em nhảy vào vần nước cả buổi. Giờ học, cả 5 đứa ngồi xung quanh bàn ăn, học thì ít mà trêu chọc nhau thì nhiều. Thỉnh thoảng lại có đứa ré lên, đứa mách cái này, đứa tâu cái kia, cười nhiều mà khóc cũng lắm. Rồi lần cả nhà đi Sầm Sơn, 2 đứa em tôi vô cùng thích thú. Tôi bỗng nhớ ra em Hương không ăn được hải sản, không biết bây giờ cái đặc điểm đáng tiếc ấy đã tahy đổi hay chưa?! Em Hương hát hay lắm. Ngày ấy trên ti vi đang chiếu bộ phim hoạt hình "nàng công chúa Xêhêrazat", tôi phải nịnh nọt mãi em mới dạy cho tôi hát nhưng tất nhiên chẳng bao giờ hay bằng em cả...
          Ít ra thì ở nhà tôi, em còn có người trò chuyện, còn được vui đùa, được đi chơi, được sống trong không khí gia đình. Nhưng khoảng thời gian ấy cũng không thể kéo dài mãi được. Tôi nhớ rất rõ buổi chiều hôm đưa 2 đứa về Triệu Sơn. Chúng gào khóc, giãy dụa nhất định không chịu đi. Bàn tay bé nhỏ của em bấu chặt vào thanh cửa, khóc tức tưởi, ông cậu tôi gỡ mãi mới được. Chở em đi rồi, mọi người nhìn nhau, đỏ hoe mắt. Cậu tôi kể lại rằng, khi cậu quay về chúng cứ bám chặt áo đòi đi theo. 1 đứa 8 tuổi, 1 đứa 6 tuổi - đứng ở đống rơm trước nhà, ôm nhau khóc nức nở.
          Cuối cùng thì cô tôi quyết định chuyển vào TpHCM, ở đó có 2 chị gái của cô đang sinh sống. Âu đó cũng là phương án hợp lý nhất đối với hoàn cảnh của gia đình cô lúc này. Ngày em đi, tôi xin tiền mẹ mua cho em 1 con búp bê bông 27 nghìn ở chợ Thị trấn, thứ mà có lần em nói với tôi rằng em thích nhất.
            ...........
       Mười một năm rồi không gặp lại em. Giờ đây em đã trở thành cô sinh viên năm nhất giỏi giang, năng động. Thỉnh thoảng chị em vẫn gặp nhau trên mạng. Hỏi em: "có về Thanh Hóa nữa không?" Em bảo em thuộc về nơi đó, nơi ấy có 2 người em yêu nhất trên đời.
        Mong cho em tôi sẽ được hạnh phúc và bình yên!

15 tháng 8, 2010

Khám bệnh định kỳ (P1) - T8/2010

            Từ bây giờ, nhà Tottochan khai trương thêm 1 "cửa sổ" nữa - "khám bệnh định kỳ". Phạm vi: tất tần tật những gì liên quan đến mysefl về mặt: tính cách và "nhận thức"! Rất mong cả nhà, họ hàng thân quyến, bà con cô bác gần xa đóng góp ý kiến để cho bạn Tottochan "nhanh lớn"!
            Sau khi phân tích, mổ xẻ thì mình đưa ra 1 số kết luận như này. Mình là người:
           - Sống rất hình thức mà lại cứ tỏ vẻ ta đây ...nội tâm
           - Khoe khoang khoác lác mà cứ nghĩ mình khiêm tốn thật thà
           - Bóng bẩy hào nhoáng nhưng luôn cho rằng mình giản dị, tinh tế
           - Bạc nhược ủy mị mà lại gào lên rằng ta mạnh mẽ
           Là 1 khối thống nhất tất cả những điều trên. Là 1 khối mâu thuẫn.
           Xin hứa là sẽ phát huy và dần dần hạn chế các ưu khuyết ạ! Cảm ơn cả nhà ạ! :((

14 tháng 8, 2010

Hoa hậu Việt Nam 2010

           Có ý kiến đã cho rằng: xem phần thi ứng xử cứ như xem Gala cười! Mình đã hồi hộp, mong đợi là thế.
           Thí sinh 1: "...có thể nói gì về thủ đô Hà Nội?" - giọng địa phương "l" & "n" đặc sệt và 1 câu trả lời nhạt. Ứng cử viên sáng giá nhất cho ngôi HH! :( Em trả lời xong câu nào là khán giả cười câu đấy.
           Thí sinh 2: ".....điều gì lo lắng nhất sau khi đoạt vương miện HH.." - "bây giờ em đang rất run....điều quan trọng là phải giữ gìn nhan sắc nữa..." TS này đi thi HH còn khóc vì nhớ mẹ và với câu trả lời hồn nhiên thế này thì e rằng vương miện với e là quá nặng?!
            Thí sinh 3: "...đức tính quý báu nhất của người phụ nữ Việt Nam..." - được coi là ứng xử đỡ tệ nhất dù cho "...là đức hy sinh...đó là điều không thể chối cãi..." :))
            Thí sinh 4:...
            Thí sinh 5:...
            Xem các người đẹp ứng xử mà ngồi mơ mộng "bao giờ cho đến tháng Mười?"
           Theo dõi tất cả phần thi, được trải nghiệm bao nhiêu là cảm xúc! Cơ mà rút ra được những điều hay ho như này:
           - Tất cả những em vào Top 10 đều cao trên 1.7! Thế mới biết chiều cao là tiêu chí ghê gớm như thế nào. Dù khuôn mặt em rõ xinh đẹp, dù thần thái em rất chi dịu dàng thì cùng lắm là Top 20 thôi nhá! Chân ngắn làm sao mà "chạy nhanh" được! :)) (Nhã Uyên và Na Uy ơi, biết thế này ngày xưa chăm uống sữa thì có phải giờ là HH rồi không - trích lời ZAN)
          - Người đẹp tài năng và Người có khuôn mặt khả ái nhất - TS được khán giả yêu thích nhất không lọt vào Top 10.
.......
          Việt Nam hơn 80 triệu dân. Những em xinh đẹp thì không đủ cao. Những em cao thì không đủ xinh. Những em vừa xinh vừa cao thì...ngố. Những em vừa xinh vừa cao vừa thông minh lại...không đi thi. Thật là khó cho Ban tổ chức "so bó đũa chọn cột cờ". Uhm, HHVN 2010 "nghìn năm hương sắc"!
          Sau này có con á, từ ngày trong bụng đã uống sữa rùi. Từ bé tí phải bắt uống thật nhiều sữa, rồi tập tành thể dục thể thao cho chân nó dài, hehe. Không cần học hành nhiều lắm đâu, tốt nghiệp cấp 3 thôi. 15 tuổi là cho đi vào các lò đào tạo người mẫu. Rồi còn tung tẩy tóc bay váy lượn...
          Chứ còn gì nữa, để mà đi thi HHVN!:D

Lam Sơn mến yêu!

Lam Sơn mến yêu!
           
…..Ngày bé xíu, cứ mỗi lần đi qua trường, mẹ vẫn bảo: sau này con cố gắng vào học trường này nhé! Suốt cả năm học lớp 9, trong bất kỳ lời chúc của bất kỳ tấm thiệp nào, đều có dòng chữ: “đậu Lam Sơn nhé!”
Lam Sơn! Lam Sơn! 1 điều gì đó thật đẹp đẽ, thật đáng để cố gắng!
           ……Đầu tháng 9 năm 2005 – buổi đầu tiên tập trung lớp. Nhìn bạn bè xung quanh ai cũng lớn ơi là lớn, và nghĩ thầm “chắc bọn chúng giỏi lắm đây”. Hii, dám cá là lúc đó đứa nào chẳng có suy nghĩ ấy!:) Bao nhiêu là cảm xúc: rộn ràng, hồi hộp và tất nhiên là tự hào lắm lắm…
          ....…Để bây giờ, đã là cựu được 5 năm rùi, có biết bao điều mà kể, mà nhớ…
          Đầu tiên là về giáo viên chủ nhiệm. Khi cái dáng cao cao, khom khom và đen đen của “bác” Hồ bước vào lớp, cảm giác đầu tiên là choáng và…thất vọng! (hic, xin lỗi thầy ạ) Cứ nghĩ phải là 1 bậc “giáo sư” đường bệ, khả kính, “râu tóc bạc phơ”, cơ mà lại mang đặc “dáng dấp Lịch sử” thế chứ! T_T
          Thứ hai là bọn con trai trong lớp. Đã chuẩn bị sẵn sàng tinh thần lớp mình ít con trai rùi nhưng mà vẫn…buồn, hichic! Có 8 mống bọ, được cái lúc ấy nhìn chúng cũng không đến mức ngố rừng lắm, hehe! Rồi đám con gái bắt đầu túm năm tụm ba, rỉ tai nhau: rồi cũng chẳng hy vọng gì bọn này những ngày 8-3, 20-10 đâu mà…
         Thứ ba là bạn lớp trưởng Thành @! Bạn này thì vô cùng đặc biệt, cực kỳ thú vị, đỉnh cao của cái-sự-cười của lớp! Choáng tập 2 với lớp trưởng. Sức hút của bạn ấy còn hơn cả chương trình “gặp nhau cuối tuần” cơ mà, minh chứng là các bạn lớp Văn – Địa vào tầm 10h thứ 7 và bu quanh cửa sổ của lớp Sử để xem…sinh hoạt lớp (và để cười cho thích)! Hehe! Là bạn ý sẽ rất hoành tá tràng khi đứng trên bàn GV điều hành buổi sinh hoạt: mặt đỏ gay, tay chém gió như đúng rồi, không khí nghiêm túc, căng thẳng, chỉ được xưng hô là “đồng chí” thôi ạ, cấm được cười đùa, đứa nào mà “trót dại” thì y như rằng tháng sau đứng hàng hạnh kiểm Khá nhá! Bạn ấy đưa ra vô cùng chi tiết, cụ thể 1 đống hầm bà lằng các quy định, nội quy của lớp và cả lớp cứ gọi là răm rắp làm theo. Thế cho nên trời mưa gió bão bùng, lạnh căm căm trong khi các lớp khác te tởn xống áo thì lớp mình vẫn “áo (dài) trắng em đến trường”, hic! (Nghĩ lại mà thấy “hận” quá thể) Đến năm lớp 11, hình như là vừa học xong bài Sử gì đấy về Nhà nước Cộng hòa (mình cũng không nhớ rõ lắm), không biết có cảm hứng gì không mà bạn ý lại soạn hẳn ra 1 văn bản gọi là: quyết định thành lập “Ủy ban điều hành 11 Sử” (Cho đến bây giờ mình vẫn chẳng hiểu tại sao bác Hồ lại ký vào đấy chứ) >.< Bạn ý suốt những năm cấp 3 là cánh tay đắc lực của bác Hồ, và đồng thời là “ác mộng” của cả lớp!
          Nhưng ơn trời, dưới sự lãnh đạo của bạn ý mà lớp mình luôn dẫn đầu nền nếp toàn trường, Bằng khen tới tấp và nổi tiếng về cái sự Ngoan!:))
……..
          Tự hào lắm khi nhớ về mái trường thân yêu. Tri ân lắm khi nhớ về thầy cô đáng kính. Ấm áp lắm khi nhớ về bạn bè yêu dấu. Hạnh phúc lắm khi nhớ về phòng học giăng đầy bằng khen và khẩu hiệu.
          …Nhớ những lần kiểm tra bài cũ, đứa nào đứa nấy mặt mũi ngây thơ vô số tội, rồi khi đứa nào bị gọi tên là cả lớp: “mừng cho bạn”… ;D
          …Nhớ mỗi lần đến tiết Lý của thầy Phong là lại ngồi “bói” xem có bị gọi lên bảng không : “hôm nay là ngày mùng 2, bạn số 2: Phạm Thanh Bình”, “hôm nay là tháng 10, những người sau lên bảng: 20, 30…”
          …Nhớ giờ học Sinh của cô Lan, cả lớp ngồi im phăng phắc, dỏng tai lên nghe bài giảng đầy sinh động và hài hước…
          …Nhớ lần bế giảng năm học lớp 10, cả lớp chơi trò tạt nước, đứa nào đứa nấy ướt nhẹp mà vẫn cười toe toét
         …Nhớ phòng học trên tầng 5 liền sân thượng lộng gió, có lần cả lớp nổi hứng lãng mạn thả chim bồ câu…Phòng học tầng 1 với khoảng sân trường đong đầy hoa nắng, vẫn hay đá cầu mỗi giờ giải lao…
        ….Nhớ những lần nghịch ngợm đuổi nhau quanh lớp, có những đứa buộc áo dài, trèo lên bàn, cầm chổi phi ầm ầm và cười ngặt nghẽo…
        …Nhớ bạn Liên xoăn thách đấu vật tay với bọn con trai trong tiếng reo hò cổ vũ của bọn con gái và kết quả là thắng gần hết…
         …Nhớ bạn Quỳnh trong những giờ học Thể dục nhảy cao, lấy đà rõ xa, xắn tay áo rất chi hùng hổ, chạy đến nơi là … nhấc xà chui qua!...
         …Nhớ những buổi chào cờ hiếm hoi (1 tháng 1 lần), nhớ chiếc ghế đá nhận là của lớp mình, nhớ chùm hoa dẻ ở cây trước nhà thí nghiệm…
          Nhớ…nhớ nhiều…nhớ lắm…!!!

6 tháng 8, 2010

Up!

           Entry trước còn than vắn thở dài vậy mà sau có mấy chục phút lại "phởn" thế này rùi. Restart lại, tinh thần mềnh phấn chấn hơn hẳn. Mềnh biết lý do là gì?! Con quái vật mắt xanh đã thua. "Nó không đánh bại được mềnh thì nó lại làm mềnh mạnh hơn", haha!
          Cảm ơn em đã "thức tỉnh" chị! Đúng đấy em ạ, chị của "ngày xưa" hay hơn. Chị sẽ trưởng thành lên chứ không "thay đổi".
          Cảm ơn những bạn bè yêu quý đã luôn chịu đựng sự thất thường của mềnh! hehe.
          Up! Up! Lại tràn đầy sức sống rùi nè, hehe! Cảm giác này thật là dễ chịu. Hey!

Rơi...

            Hơ, hic! Mình sao thế này? Đang rơi, rơi...chạm đáy đi nào! Giờ thì con quái vật mắt xanh đã chiến thắng mất rồi, hic hic! Hậu quả của cả 1 ngày dán mắt vào máy tính, lê la như ma xó vào blog của các anh chị em đây mà.
            Giờ đã là tháng 8 rồi, 2 phần 3 của 1 năm rùi chứ. Điểm danh lại xem đã làm được gì trong năm qua. Ông cha vẫn bảo ở đời có 3 việc lớn: xây nhà, lấy vợ, tậu trâu. 1. Xây nhà: hic, cái mục tiêu xa xỉ quá có (dám) nghĩ đến đâu khi mà 1 triệu 1 tháng tiền nhà còn méo mặt (huhu)! 2. Lấy vợ: hơ, có ai kíu tôi không cơ chứ, tình iu ơi, giờ anh đang ở phương nào (hichic) 3. Tậu trâu: các cụ nhà ta làm nông chỉ mong "có con trâu tốt trong nhà". Ngày nay ta làm giáo viên chỉ mong được đứng trên bục giảng, ra oai ta đây là cô giáo, thế nhưng công việc cứ cứ xoay mòng, chả thấy hài lòng gì cả (haizz). Thôi, ngồi than vãn tí cho đỡ buồn! (từ giờ hứa delete từ "chán")
          Lại nhớ đến câu nói của đứa bạn thân: "cứ suy xét xem mình làm được gì mà không biết sống được đã là kỳ tích rồi". Lần đầu nghe xong, 2 đứa cười sằng sặc nhưng suy cho cùng không phải là không có lý. Đi ngoài đường sao cho tránh tai nạn trong cái thời buổi mà ngày nào cũng được đọc những tin tức kinh hoàng trên mặt báo. Điều đó không đơn giản đâu, nhất là với 1 đứa rong ruổi 50km/1 ngày và nó lại có thói phóng xe ầm ầm với lý do chủ quan: trên đường cao tốc. Duy trì được sống 1 cách tử tế, nghĩa là ngày ăn 3 bữa, quần áo xúng xính, nuôi 2 con: điện thoại và xe máy, thi thoảng tụ tập cà phê cà pháo, hứng chí lên thì mua những món quà be bé tặng bạn bè, người thân và luôn có sẵn một ít tiền lẻ trong ví để trao ban - cũng có đơn giản đâu nhỉ?! Thế mới bảo, sống được đã là kỳ tích rồi!
          Mà này, hình như mình lại AQ rồi. Lại thế chứ: kêu ca than vãn, rồi lại tự dỗ, rồi lại kêu ca...như một vòng tròn khép kín không biết đâu là điểm khởi đầu và tất nhiên cũng chả thể nào xác định được kết thúc.
          Haizz! Mình cứ nhón tay chỉ bừa vào 1 điểm... Stop here!

4 tháng 8, 2010

Thư gửi em gái

            Em trượt Đại học. Tất nhiên ai cũng buồn. Bố mẹ thất vọng lắm, em biết phải không?! Mọi thứ nói bây giờ đều đã muộn và chẳng còn ý nghĩa gì nữa. Chị cũng không chắc mình sẽ kiềm chế được để đừng buông lời trách móc em.
           3 tuổi, học mẫu giáo ở nhà dòng, em là người ngoan nhất, giỏi nhất. Khi những đứa trẻ khác còn tập tọe ấn từng phím đàn thì em đã chơi bằng cả 2 tay mà không cần nhìn. Em là "ngôi sao" trong các buổi văn nghệ. Các xơ tự hào và hết lời khen ngợi em. Bố mẹ cũng tự hào về em.
           4 tuổi, em thi "bé khỏe, bé ngoan". Em nổi trội hơn các bạn cùng lứa. Bố mẹ tự hào về em. Chị cũng tự hào về em.
           6 tuổi, đi học lớp 1. Em là lớp trưởng "khét tiếng". Ngày nào đi học về cũng có người dẫn con đến mách "bạn Linh Chi đánh con". 1 tuần 6 lần, 1 tháng 24 lần (trừ CN nghỉ học). Em sẽ bị ăn đòn, dạy dỗ nghiêm khắc. Nhưng bố mẹ vẫn tự hào về em vì em mạnh mẽ, bản lĩnh hơn hẳn những đứa trẻ khác. Chị cũng tự hào về em.
          7 tuổi, không ngày nào là em không được 10 điểm. Có ngày em được 9 điểm 10. Với em, 9 điểm là giới hạn dưới. Bố mẹ nói rằnh: em thông minh hơn chị, rồi em sẽ vượt chị.
          9 tuổi, em đạt giải nhất HSG toàn trường - thành tích của chị cách đó 5 năm. Thầy cô tự hào về em. Bố mẹ tự hào về em. Chị cũng tự hào về em vô cùng.
          15 tuổi - lớp 9. Em đạt giải nhì tỉnh môn Văn. Mọi người tấm tắc, trầm trồ: "nhà này nhất chị, nhì em". Bố mẹ mát mặt lắm. Chị tất nhiên - cũng tự hào về em.
          Cấp 3, em là bí thư của lớp, rồi em lại làm lớp trưởng. Không ai là không biết "Linh Chi lớp A5". Ừ, thì em "nổi tiếng" mà. Em hoạt động tích cực, em sắc sảo. Em đạt được nhiều bằng khen, em giành rất nhiều giải thưởng trong các cuộc thi kiểu phong trào.
          Em sẽ vẫn là "thần tượng" của nhiều bạn bè, vẫn là đứa học trò con cưng của thầy cô nếu như không có kỳ thi Đại học. Em trượt với 1 điểm số quá thấp.
         Tại sao chị lại kể ra 1 loạt các thành tích của em? Để thấy rằng, em đã không còn là mình nữa. Những tiếng vỗ tay, những lời tán thưởng đã giết chết em rồi. Nếu như em là 1 đứa ngu ngốc. Nếu như em là đứa thiếu suy nghĩ thì sẽ chẳng ai thắc mắc gì cả. Nhưng chị xin lỗi khi nói rằng: em thật sự đáng trách!
         Chị không hình dung hết cảm giác của bố mẹ. Chị cũng nghẹn đắng, chẳng biết phải nói như thế nào. Có lẽ mọi người quá kỳ vọng vào em nên thất vọng cũng là dễ hiểu. Chị đang nghĩ đến những ngày tiếp theo, bố mẹ sẽ trả lời như thế nào khi có ai đó hỏi em "có đỗ ĐH không?"
        Chị làm trong môi trường giáo dục, hơn ai hết chị biết rằng: đỗ - trượt đâu phải là cái gì ghê gớm. Không đỗ năm nay thì sang năm, sang năm nữa. Nhưng chị không tha thứ cho em vì em đã phụ lòng những người thân yêu nhất, em để cho niềm tin của bố mẹ sụp đổ, em đã thiếu trách nhiệm với chính em.
         Sẽ đưa ra 1 loạt lý do dẫn đến kết quả này nhưng suy cho cùng cũng chẳng để làm gì nữa. Em hãy xem lại chính mình đi, đóng cửa - 1 mình ở trong phòng và suy nghĩ. Có xứng đáng không? Chị tin em sẽ biết mình phải làm gì?!
        Em thân mến! Em đã thua. Em thua chính mình. Có thể em thông minh hơn chị, nhưng em là đứa kém bản lĩnh và nghị lực. Em 18 tuổi. Những suy nghĩ của 1 đứa 18 làm chị giật mình vì nó sâu sắc và già dặn quá. Thế nhưng nếu em không biến suy nghĩ thành kết quả, thành hành động thì nó cũng chỉ là 1 thứ sáo rỗng thôi. Em sẽ không bao giờ trở thành bác sĩ, em sẽ không bao giờ thực hiện được ước mơ của mình, em sẽ trở nên nhợt nhạt và vô vị trong cuộc đời này...nếu như em không quyết tâm và cố gắng! Chị theo dõi từng bước đi của em nên chị không bất ngờ. Có lẽ cần 1 thất bại để em "sáng mắt ra". Nó sẽ tốt cho em.
        Em à! Em được sinh ra trong 1 gia đình tuyệt vời, em biết không? Nhà mình không giàu có nhưng đủ lo cho em những điều tốt đẹp nhất. Bố mẹ mình không xuất sắc, hoàn hảo nhưng là những người yêu thương em nhất trên đời. Chị cũng chẳng tài ba xuất chúng nhưng đủ để là chỗ dựa tinh thần cho em. Em có những thứ mà rất nhiều người khao khát. Điểm xuất phát của em hơn những người khác, vậy thì chẳng có lý do gì em lại bỏ cuộc giữa chừng.
        Em yêu quý! Em biết không? Chị vẫn tự hào về em. Em đanh đá, em ghê gớm, em lười biếng, em ngang ngạnh. Nhưng em thông minh, em có tâm hồn nhân hậu, em có lý tưởng sống đẹp đẽ. Và vì em là đứa em gái duy nhất của chị. Chị tin rằng, chỉ cần em cố gắng thôi, chẳng có điều gì em không làm được. Nếu như đời có quật đổ em, thì em cố gắng đứng dậy mà bước tiếp. "Cái gì không đánh bại ta thì nó sẽ làm ta mạnh hơn". Đây là va vấp đầu tiên mà em phải vượt qua, nó cũng đơn giản nhẹ nhàng thôi mà em. Điều quan trọng nhất bây giờ là em lấy lại sự tự tin - chìa khóa của thành công. Em sẽ làm được. Chắc chắn!
        Chị cũng đã có những lúc sa chân, tưởng như rơi vào vòng xoáy "an phận", buông xuôi. Nhưng may mắn là chị vượt qua được. Mong em cũng cố gắng. Em muốn xây được ngôi nhà to đẹp thì em hãy đặt từng viên gạch nhỏ làm nền móng. 1 năm là khoảng thời gian chị nghĩ là đủ để em xây lại ngôi nhà mơ ước của mình.
        Thế em nhé! Cuộc sống đầy rẫy khó khăn nhưng cuộc sống luôn kỳ diệu và đẹp đẽ. Em hãy phát huy những gì em đang có, tự tin, kiêu hãnh mà bước tiếp. Những bệnh nhân nghèo khó đang mong lắm được gặp em!
        Vì em là Em cơ mà! Em đâu có bình thường, em đặc biệt thế cơ mà! Đừng để chị và những người thân yêu thất vọng, em nhé!

Ở quê ra

            Mẹ vừa gọi điện ra cho mình. Đại loại là ngày mai có chị M ra khám mắt, chị ấy vừa xin số điện thoại của mình, nếu chị có gọi thì mời chị đến nhà chơi nhé! "Ở quê mình không như ngoài ấy đâu". Vâng mẹ ạ, con hiểu mà. Thấy cay cay mắt.
           Ngày ra Hà Nội nhập học, làm gì có người quen-họ hàng đâu, lúc ấy có anh hàng xóm "đang học ngoài này" là yên tâm lắm rồi, cứ coi anh hàng xóm như cái phao giữa dòng nước vậy. Mình thấm thía cái cảm giác "có người quen" ở 1 nơi xa lạ.
            5 năm sau, cái nhà trọ bé tí của mình trở thành nơi được gửi gắm. Ừ thì "cái Nhung nhà dì Dung ở đấy", ừ thì "có em Nhung rồi mà"... Ừ, dù chỉ là cái nhà trọ bé tí thôi. Thấy mình cũng lớn lớn. Hai vai như nặng hơn, nhưng hạnh phúc.
           Mẹ của con ơi! Yên lòng mẹ nhé! Con biết mình nên làm gì, phải làm gì. Con sẽ làm được nhiều hơn những gì mẹ chờ đợi và tin tưởng ở con!