2 ngày liên tiếp xem 2 bộ phim khác nhau: 1 của Việt Nam và 1 của Trung Quốc nhưng cả 2 có 1 điểm chung là đều lấy được nước mắt của khán giả.
"Cánh đồng bất tận" là bộ phim điện ảnh được trông đợi nhất trong năm. Phải nói rằng công tác PR của bộ phim quá tốt nên trước ngày công chiếu "cánh đồng bất tận" đã thu hút được sự quan tâm của đông đảo khán giả yêu điện ảnh. Đặc biệt với những ai đã đọc nguyên tác truyện ngắn của Nguyễn Ngọc Tư lại càng tò mò xem bộ phim này sẽ "làm được đến đâu" và "làm như thế nào" để lột tả được hết cái hồn của tác phẩm.
Tôi chẳng am hiểu gì về điện ảnh, cũng chả dám sắm vai 1 nhà phê bình nhưng theo nhận xét chủ quan thì "Cánh đồng bất tận" là 1 bộ phim hay nhưng không phải bộ phim xuất sắc. Cảm giác khi xem xong phim là Tiếc. Tiếc vì phim có thể (và đáng ra) phải hay hơn thế. 120 phút với 1 bộ phim điện ảnh là thời gian chấp nhận được nhưng có những chỗ thừa và những chỗ thiếu.
Tôi kỳ vọng nhất ở đoạn cuối: Nương bị cưỡng hiếp trước mặt người cha của mình. Và trong cơn đau đớn, tuyệt vọng, Nương không tên cha mà bản năng đã kêu cứu "Điền! Điền ơi!" - người em trai. Đây mới là đỉnh cao bi kịch của ông Võ. Nhưng đáng tiếc, bộ phim đã thay đổi chi tiết đắt giá này - Nương gào khóc "tía ơi, cứu con!". Nương của Nguyễn Ngọc Tư bất động lặng im nghe cơ thể 17 của mình bị xé toạc, lặng im để nước mắt lăn dài vì nghĩ đến mẹ. Nương của Nguyễn Phan Quang Bình lại la hét, giãy dụa. Rõ ràng cách diễn này không nêu bật được sự đớn đau cùng cực, ê chề, bất hạnh của Nương, chưa thể chạm đến tầng sâu cảm xúc của nhân vật. Đáng lẽ phải là 1 trường đoạn thì chỉ có vài phút ngắn ngủi. Đáng lẽ phải là sự lặng im thì lại "ồn ào" rất kịch. Đây là cái thiếu thứ nhất.
Cái thiếu thứ 2 là đất diễn cho nhân vật Điền. Cảnh Điền ôm chiếc áo lót của Sương mà hôn là 1 cảnh diễn khó để thể hiện được sự đấu tranh quyết liệt của bản năng, lý trí và cảm xúc. Chi tiết này cũng diễn ra quá nhanh, quá nông khiến khán giả vẫn chưa thể hiểu rốt cuộc tình cảm của Điền dành cho Sương là thứ tình cảm gì: tình yêu nam nữ? tình yêu của con dành cho mẹ? hay em yêu chị?
Thứ ba, là những cái thừa. Đó là sự rên rỉ, kêu than của Sương khiến người ta sốt ruột; là những cảnh quay ông Võ với Nương trên thuyền (khi không còn Sương và Điền) khiến bộ phim dài dòng, mệt mỏi.
Thứ tư, bộ phim đã có những cảnh quay rất đẹp về sông nước miền Tây: những cánh đồng lúa vàng rực, những cánh cò trắng muốt, những đồng cỏ xanh rờn... Nhưng vì nó đẹp quá, "điện ảnh" qua nên có cảm giác đó là vùng quê trù phú, màu mỡ, chợ búa ồn ào mà không phải là sự cô độc, sự mêng mang, sự bế tắc, bất tận của kiếp người...
Cuối cùng là cái kết của bộ phim: ông Võ trở thành người lái đò đưa trẻ em trong làng qua sông đến trường. Là 1 cái kết có hậu. Tôi cứ nghĩ rằng, giá như bộ phim kết thúc ở cảnh ông Võ phủ phục bên thân thể rách bươm của con gái, con thuyền từ từ trôi dần xa thì có lẽ hay hơn. Chất điện ảnh ở đây đã buộc 1 cái kết khiên cưỡng để làm "tròn vai" của 1 bộ phim, so ra thì tầm thường so với nguyên tác.
Điều đáng tiếc nhất, bộ phim chỉ mới vẽ nên được câu chuyện thương tâm của 1 cá nhân, 1 gia đình mà không khái quát lên được đó là cánh đồng của nhân nhân loại - cánh đồng của yêu thương, đau khổ và hận thù - cánh đồng bất tận...
--------------------------
"Đường Sơn đại địa chấn" - bộ phim về trận động đất năm 1976 ở Tứ Xuyên khiến hơn 240.000 người thiệt mạng. Có thể nói, hình ảnh, âm thanh, diễn xuất đã lay động được mọi cảm quan của khán giả. Bởi bộ phim không hề diễn mà rất thật. Thật từ bối cảnh, thật từ diễn viên, thật từ logic tâm lý.
Không hề chia thành các tuyến nhân vật, không có nhân vật phản diện trong phim. Nếu có nhân vật phản diện, họa chăng đó chỉ là "ông Trời" - đã gây nên tai họa khủng khiếp, làm tan nát trái tim của hàng triệu người. Kịch bản của "Đường Sơn đại địa chấn" tạo nên những nhân vật hoàn hảo, rất thật, rất "con người". Là cô bé Phương Đạt đầy oán trách nhưng khao khát tình thương; là bà mẹ nuôi vẫn có những nhỏ nhen, tầm thường bên cạnh 1 tấm lòng cao thượng; là Phương Đại - cậu em tưởng như ngông nghênh, ích kỷ nhưng sâu sắc; là bà mẹ bảo thủ, cực đoan ẩn trong trái tim vĩ đại...
Cái hay nhất của bộ phim là khán giả như được hòa mình vào từng bối cảnh, cùng khóc, cùng đau đớn, cùng dằn vặt, cùng hận thù, cùng yêu thương...với nhân vật. Địa chấn bộ phim tạo ra không phải là cơn động đất kinh hoàng mà là những chấn động về tâm lý. 23s của cơn động đất dẫn đến sự chia lìa tình mẫu tử 32 năm. 32 năm với những diến biến tâm lý giằng xé, dằn vặt; với biết bao cay đắng tủi nhục, với sự đấu tranh quyết liệt trong tâm tưởng để cuối cùng khi lời "xin lỗi" vang lên là kết thúc đẹp và đầy ý nghĩa.
Bộ phim đã tạo nên những dư vị khó quên. Cuộc sống quá ngắn ngủi, có những điều chúng ta không thể ngờ tới và "khi mất đi rồi mới biết thế nào là mất mát". Sự ấm áp của tình người, sự cao quý của tình cảm gia đình, sự thiêng liêng của tình mẫu tử. Đời người vẫn cần lắm sự thứ tha... Giá trị nhân văn sâu sắc là ở chỗ đó!