27 tháng 10, 2010

Cánh đồng bất tận & Đường Sơn đại địa chấn

            2 ngày liên tiếp xem 2 bộ phim khác nhau: 1 của Việt Nam và 1 của Trung Quốc nhưng cả 2 có 1 điểm chung là đều lấy được nước mắt của khán giả.
           "Cánh đồng bất tận" là bộ phim điện ảnh được trông đợi nhất trong năm. Phải nói rằng công tác PR của bộ phim quá tốt nên trước ngày công chiếu "cánh đồng bất tận" đã thu hút được sự quan tâm của đông đảo khán giả yêu điện ảnh. Đặc biệt với những ai đã đọc nguyên tác truyện ngắn của Nguyễn Ngọc Tư lại càng tò mò xem bộ phim này sẽ "làm được đến đâu" và "làm như thế nào" để lột tả được hết cái hồn của tác phẩm.
           Tôi chẳng am hiểu gì về điện ảnh, cũng chả dám sắm vai 1 nhà phê bình nhưng theo nhận xét chủ quan thì "Cánh đồng bất tận" là 1 bộ phim hay nhưng không phải bộ phim xuất sắc. Cảm giác khi xem xong phim là Tiếc. Tiếc vì phim có thể (và đáng ra) phải hay hơn thế. 120 phút với 1 bộ phim điện ảnh là thời gian chấp nhận được nhưng có những chỗ thừa và những chỗ thiếu.
           Tôi kỳ vọng nhất ở đoạn cuối: Nương bị cưỡng hiếp trước mặt người cha của mình. Và trong cơn đau đớn, tuyệt vọng, Nương không tên cha mà bản năng đã kêu cứu "Điền! Điền ơi!" - người em trai. Đây mới là đỉnh cao bi kịch của ông Võ. Nhưng đáng tiếc, bộ phim đã thay đổi chi tiết đắt giá này - Nương gào khóc "tía ơi, cứu con!". Nương của Nguyễn Ngọc Tư bất động lặng im nghe cơ thể 17 của mình bị xé toạc, lặng im để nước mắt lăn dài vì nghĩ đến mẹ. Nương của Nguyễn Phan Quang Bình lại la hét, giãy dụa. Rõ ràng cách diễn này không nêu bật được sự đớn đau cùng cực, ê chề, bất hạnh của Nương, chưa thể chạm đến tầng sâu cảm xúc của nhân vật. Đáng lẽ phải là 1 trường đoạn thì chỉ có vài phút ngắn ngủi. Đáng lẽ phải là sự lặng im thì lại "ồn ào" rất kịch. Đây là cái thiếu thứ nhất.
           Cái thiếu thứ 2 là đất diễn cho nhân vật Điền. Cảnh Điền ôm chiếc áo lót của Sương mà hôn là 1 cảnh diễn khó để thể hiện được sự đấu tranh quyết liệt của bản năng, lý trí và cảm xúc. Chi tiết này cũng diễn ra quá nhanh, quá nông khiến khán giả vẫn chưa thể hiểu rốt cuộc tình cảm của Điền dành cho Sương là thứ tình cảm gì: tình yêu nam nữ? tình yêu của con dành cho mẹ? hay em yêu chị?
          Thứ ba, là những cái thừa. Đó là sự rên rỉ, kêu than của Sương khiến người ta sốt ruột; là những cảnh quay ông Võ với Nương trên thuyền (khi không còn Sương và Điền) khiến bộ phim dài dòng, mệt mỏi.
          Thứ tư, bộ phim đã có những cảnh quay rất đẹp về sông nước miền Tây: những cánh đồng lúa vàng rực, những cánh cò trắng muốt, những đồng cỏ xanh rờn... Nhưng vì nó đẹp quá, "điện ảnh" qua nên có cảm giác đó là vùng quê trù phú, màu mỡ, chợ búa ồn ào mà không phải là sự cô độc, sự mêng mang, sự bế tắc, bất tận của kiếp người...
          Cuối cùng là cái kết của bộ phim: ông Võ trở thành người lái đò đưa trẻ em trong làng qua sông đến trường. Là 1 cái kết có hậu. Tôi cứ nghĩ rằng, giá như bộ phim kết thúc ở cảnh ông Võ phủ phục bên thân thể rách bươm của con gái, con thuyền từ từ trôi dần xa thì có lẽ hay hơn. Chất điện ảnh ở đây đã  buộc 1 cái kết khiên cưỡng để làm "tròn vai" của 1 bộ phim, so ra thì tầm thường so với nguyên tác.
          Điều đáng tiếc nhất, bộ phim chỉ mới vẽ nên được câu chuyện thương tâm của 1 cá nhân, 1 gia đình mà không khái quát lên được đó là cánh đồng của nhân nhân loại - cánh đồng của yêu thương, đau khổ và hận thù - cánh đồng bất tận...
--------------------------
           "Đường Sơn đại địa chấn" - bộ phim về trận động đất năm 1976 ở Tứ Xuyên khiến hơn 240.000 người thiệt mạng. Có thể nói, hình ảnh, âm thanh, diễn xuất đã lay động được mọi cảm quan của khán giả. Bởi bộ phim không hề diễn mà rất thật. Thật từ bối cảnh, thật từ diễn viên, thật từ logic tâm lý.
           Không hề chia thành các tuyến nhân vật, không có nhân vật phản diện trong phim. Nếu có nhân vật phản diện, họa chăng đó chỉ là "ông Trời" - đã gây nên tai họa khủng khiếp, làm tan nát trái tim của hàng triệu người. Kịch bản của "Đường Sơn đại địa chấn" tạo nên những nhân vật hoàn hảo, rất thật, rất "con người". Là cô bé Phương Đạt đầy oán trách nhưng khao khát tình thương; là bà mẹ nuôi vẫn có những nhỏ nhen, tầm thường bên cạnh 1 tấm lòng cao thượng; là Phương Đại - cậu em tưởng như ngông nghênh, ích kỷ nhưng sâu sắc; là bà mẹ bảo thủ, cực đoan ẩn trong trái tim vĩ đại...
           Cái hay nhất của bộ phim là khán giả như được hòa mình vào từng bối cảnh, cùng khóc, cùng đau đớn, cùng dằn vặt, cùng hận thù, cùng yêu thương...với nhân vật. Địa chấn bộ phim tạo ra không phải là cơn động đất kinh hoàng mà là những chấn động về tâm lý. 23s của cơn động đất dẫn đến sự chia lìa tình mẫu tử 32 năm. 32 năm với những diến biến tâm lý giằng xé, dằn vặt; với biết bao cay đắng tủi nhục, với sự đấu tranh quyết liệt trong tâm tưởng để cuối cùng khi lời "xin lỗi" vang lên là kết thúc đẹp và đầy ý nghĩa.
           Bộ phim đã tạo nên những dư vị khó quên. Cuộc sống quá ngắn ngủi, có những điều chúng ta không thể ngờ tới và "khi mất đi rồi mới biết thế nào là mất mát". Sự ấm áp của tình người, sự cao quý của tình cảm gia đình, sự thiêng liêng của tình mẫu tử. Đời người vẫn cần lắm sự thứ tha... Giá trị nhân văn sâu sắc là ở chỗ đó!

3 nhận xét:

  1. Anh ko dc xem phim này (CĐBT), chỉ đọc mấy bài báo viết về nó và đọc tóm tắt nội dung. Tiếc rằng lại có nhiều lời chê hơn lời khen, và những lời chê có vẻ ...hợp lý hơn, nếu so sánh với trailer của phim. :D

    Bây giờ thì có thể kết luận, điện ảnh VN kém ko chỉ vì khâu kịch bản (tức là nguyên nhân từ văn học). Cái truyện của NNT, cho dù chưa phải quá xuất sắc, nhưng có đủ chất liệu để dựng dc 1 phim hay. Nó kém còn do bản thân nền điện ảnh VN nữa, hầu hết thành tố tạo nên nền điện ảnh này đều có vấn đề.

    Ở trên là yếu tố ko thể. Còn 1 yếu tố nữa: ko dám. Lý do này cũng ko kém phần quan trọng: các nhà làm phim ko dám đẩy đến tận cùng bi kịch xã hội, họ ko dám thể hiện thẳng những ý đồ của mình. Và rút cục thì họ ko dám đưa ra những bộ phim làm lay động lòng người.

    Người ta ko dám nhìn thẳng vào hiện trạng xã hội, và có muốn thì cũng ko dc phép. Lý do tại sao thì chắc ko cần phải nói ra. :) Bộ phim này thêm 1 minh chứng cho điều đó.

    Trả lờiXóa
  2. Hehe, đọc bài này của Nhung đã lâu nhưng cô không dám còm(nguyên tắc của mình khác bạn Nam vợ sờ nhé, chưa xem chưa còm).
    Sau khi xem xong thì cô thấy thế này:

    1. Cái chưa được theo cô là:
    - Em Yến (vai Sương) đóng chán quá. Cả diễn xuất lẫn lời thoại đều rất nhạt, vô duyên. Thành ra phim rất buồn nhưng hễ em Yến xuất hiện và nói năng là khán giả lại không nhịn được cười. Em í chỉ diễn được cái đẹp, ghê gớm, lẳng lơ, bất cần của một gái điếm mà chưa diễn được chiều sâu tâm lí như nỗi đau, sự giằng xé của một tâm hồn phụ nữ yếu đuối và khát khao yêu đương, khát khao hạnh phúc... Nếu cho mình chọn diễn viên, mình sẽ mời Thu Hà hoặc Lê Vân vào vai này.
    - Em Tăng Hà vào vai bà mẹ có mấy phút mà đóng cũng chán, xem mà "bỗng dưng muốn ngáp".
    - Phim chỉ xoáy vào thù hận và hóa giải thù hận, sự nghèo khổ, lang bạt mà chưa thấy được nỗi cô đơn tột đỉnh của con người, chưa lột tả được sự tuyệt giao với thế giới loài người, về những đứa trẻ phải sống bản năng và thậm chí tìm niềm vui, sự an ủi, cảm thông ở thế giới loài vật (lũ vịt). Cái này có thể thêm ít tình tiết để khắc sâu điều đó.
    - Phim có nhiều đoạn sượng, như vụ đánh ghen, cảnh em Sương kêu than, cảnh đối thoại của em Nương với Nương, Điền, những đoạn lồng tiếng lời dẫn của nhân vật Nương, cảnh kết thúc hơi khiên cưỡng và cánh đồng bất tận bị photoshop...

    2. Nếu chưa bao giờ đọc truyện và ám ảnh bởi truyện thì ta sẽ thấy nhìn chung về tất cả mọi phương diện, đây là một phim khá hay. Trong đó:
    - Kịch bản hay, có ý nghĩa.
    - Một số cảnh quay khá đẹp.
    - Vai ông bố, Điền, Nương diễn khá đạt.
    - Một số chi tiết ám gợi, gây xúc động cho người xem.

    Túm lại, lần sau em Nhung đi xem phim thì nhớ rủ cô :))

    Trả lờiXóa
  3. Ko, mình còm dựa trên nội dung của phim so sánh với truyện chứ ko nhận xét gì về cảnh quay hay diễn xuất này nọ đâu nhé. :D. Cái nhận xét "ko dám" là từ điều này.

    Còn cái nhận xét "không thể" thì có 2 lý do. Một là đọc các ý kiến khen chê trên mạng thì thấy 1 cảm nhận chung là vẫn cứ có nhiều vấn đề, như từ trước đến giờ vẫn vậy. Nghĩa là phim Việt vẫn chưa thực sự "lớn" dc. Thứ 2 xem đoạn trailer để biết các đoạn "đắt" của phim nó như thế nào (trailer thì hẳn phải là các đoạn "đắt"), thì thấy ko ấn tượng lắm. Cái này càng củng cố cho cảm nhận về việc "chưa lớn" ở trên. :)

    Qua mô tả của Nh và H thì càng có thêm bằng chứng cho 2 nhận định trên. :)

    Anyway, nếu có phim để xem thì chắc sẽ nhận xét dc tốt hơn, xem bộ dạng phim Việt dạo này thế này. :)

    Trả lờiXóa