28 tháng 12, 2010

Tại sao tôi học Sử?

            Hầu như ai gặp mình cũng đều thắc mắc: tại sao lại làm GV? tại sao lại học Sử? Đến mình còn thấy lạ, đôi khi còn băn khoăn tự hỏi nhưng âu nó cũng là duyên số vậy.
           Ngay từ bé tí mình đã được bố mẹ đầu tư vào chuyện học hành. Ngày ấy lớp 3 mà đã học gia sư là kinh lắm. Mọi người cứ bảo bây giờ thương trẻ con bị nhồi nhét nhiều chứ mình thấy mình còn kinh khủng hơn. Lớp 1 đã phải lồm cồm bò dậy từ 5h sáng để học bài, 1 ngày bố mẹ giao cho phải làm xong 10 bài toán trong sách "nâng cao" hoặc "bồi dưỡng", làm 1 bài văn (được tính bằng số trang). Còn nhớ phần lời giải phía sau bao giờ bố mẹ cũng cắt ra giữ riêng, mình chuyện rình mò, chôm chỉa để chép cho nhanh. Bắt đầu lớp 3 đã làm quen với các thể loại thi HSG: từ cấp trường, cấp thành phố, rồi cấp tỉnh, cấp QG (hồi ấy thì cái cấp này mình không đủ trình để được đi thi, hehe). Gắn liền với nó là ôn luyện, bồi dưỡng... Và cũng vì thế mà chuyển trường liên tục: tiểu học Trần Phú, Ba Đình, Nguyễn Chích...
           Mình cũng may mắn được học toàn thầy giỏi. Cứ nghe thầy nào có tiếng là các bố mẹ lại lục tục kéo nhau đến nhà thầy xin học. Sở dĩ mình gọi là "các bố mẹ" vì ngày ấy cả phố có 5 đứa được coi là học hành giỏi giang, được học trường chuyên lớp chọn cơ mà, oách lắm! Nên thành ra  mỗi đứa có những 10 bố mẹ liền.
         Cứ thế, mình từ bé đã được tạo điều kiện học hành bài bản, lớp lang ghê lắm. Bước ngoặt là năm lớp 9. Từ lớp 8 là mình đã chuyển từ trường Trần Phú (gần nhà) lên Nguyễn Chích vì dù là ở "tuyến huyện" nhưng rõ ràng là Nguyễn Chích là trường chuyên, chất hơn hẳn. Tất nhiên là mình lại vào học ở lớp 9B - chuyên Toán. Ừ thì vẫn bị mang tiếng là học giỏi nhưng cái giỏi "cấp phường" của mình chỉ là con tép so với "tuyến huyện" thôi. Nên dù lớp 8 có bon chen đi thi HSG huyện môn Hóa hay môn TA vì vẫn nhận ra rằng không thể có 1 trong 10 suất thi tỉnh các môn Toán, Lý, Hóa được. Nhưng ở trường Nguyễn Chích mà không được đi thi tỉnh thì...kỳ cục lắm, mà mình còn sợ bị đuổi về trường cũ nữa chứ, cho nên cuối cùng thì nhảy phắt sang đội tuyển Sử. Nhưng tại sao lại không phải Văn hay Địa mà nhất định là Sử? Là thế này ạ:
           Môn Văn dĩ nhiên là không thể vì bên cạnh lớp 9B là cả 1 "ông lớn" 9C - chuyên Văn với 1 loạt các tay "anh chị", không đấu được (bây giờ lớp chuyên Văn cũng được lắm). Lại phải lan man thêm 1 chút về anh Hưng - người học cùng, "đối thủ cạnh tranh" với mình suốt 9 năm. 2 anh em học với nhau, ngày nào đi học về các mẹ cũng so điểm, đứa nào thấp điểm hơn thì tha hồ bị đem ra so sánh các kiểu. Hôm ấy trong giờ học Sử, ông Hưng xung phong phát biểu, được cô cho 9 điểm. Thế là câu hỏi tiếp theo (mình còn nhớ rõ câu hỏi về nguyên nhân cách mạng tư sản Anh), mình xung phong (nhìn sách nói rất chi trôi chảy - dù chả hiểu mấy) và được 10 điểm, hiii. Thế là từ đó mình bị đóng đinh là "học được" Sử, haizzz! Vây nên khi (phải) vào 1 đội tuyển nào đó, mình đã vào đội tuyển Sử.
          Nói thật ngày ấy học chuyên Toán mà (phải) học để thi HSG Sử mình thấy...nhục lắm.!Bố mẹ thì điên đảo cả lên, bắt mình bỏ. Mặc dù chẳng hề thích thật nhưng làm sao đủ can đảm để từ bỏ cơ chứ. Ngày đi thi huyện  (lớp 9) còn chả ai biết cơ mà. Kết quả là 10 đứa đi thi, có 9 giải. Và mình...không được giải gì! Tiếp tục đi thi tỉnh (không giống các nơi khác, ở huyện Đông Sơn, thi huyện gần như là thủ tục, lập đội tuyển 10 đứa thi huyện xong thi tỉnh, không nhất thiết đạt giải), lần này...được giải nhất!
          Sau đó thì thi cấp 3. Với trường Nguyễn Chích, và đặc biệt là với 90 đứa trong đội tuyển, các thầy cô sẽ tự động làm hồ sơ thi Lam Sơn. Và rõ ràng, chắc chắn là mình thi và chuyên Sử. Với cái cơ chế cộng điểm thưởng như năm ấy thì mình trượt còn khó hơn đậu. Và (lại) có mặt trong 1 tập thể dính dáng đến môn Sử. Bố mẹ thì không còn điên đảo, nhưng vẫn cực kỳ không thích mình học Sử. Và mình, cũng không thích.
          3 năm cấp 3, vẫn chưa thoát được các cuộc thi liên miên, rồi các khóa 'luyện gà chọi". Rồi lại thi tỉnh, lại thi QG, lại đạt giải. Giờ thì cái cây mình đã trèo cao lắm rồi, đâu có thể nhảy xuống được nữa đâu.
          Mình không phải thi ĐH, được chọn 1 trường nào đấy có khối C là được. Rõ ràng là thích báo chí, rõ ràng là thích những nghề được đứng trước ống kính cơ, nhưng rồi lần thứ 3 lại không đủ can đảm - rõ là tư tưởng cầu an, tiếc và lo lắng nếu không được học đúng thế mạnh của mình, chọn Sư phạm Sử.  Chọn SP vì ít ra không đứng trước ống kính thì đứng trước học trò, được "nói cho người khác nghe". Bố mẹ không còn "cực kỳ không thích" nữa nhưng vẫn luôn luôn so sánh, luôn luôn "giá như"...
          Hiện tại, học Cao học - vẫn Lịch sử nhé nhưng là chuyên ngành Lý luận và phương pháp dạy học. Qua tất cả những gì đã trải qua, đã cố gắng, đã thể hiện... bố mẹ thi thoảng vẫn "tiếc": tại sao lại học Sử? nhưng 2 người cũng đã hài lòng.
         Đấy! "Sai 1 ly, đi 1 dặm" là như thế đấy! Mình là dân Sử nhá, thế mà trong đầu luôn nghĩ rằng mình là gốc chuyên Toán kia.

3 nhận xét:

  1. Mình cũng khá thích học sử, nhưng mà vẫn thích tự học hơn là học trên lớp. Mà bây giờ có muốn học trên lớp cũng không được vì đã đi làm rồi mà.
    Mình thấy lịch sử rất thú vị và quan trọng mà. Bản thân mình công việc không liên quan trực tiếp tới lịch sử nhưng vẫn thích học nó, là vì để thực hiện ước mơ trong cuộc đời mình!

    Chắc bạn cũng bực lắm vì có một kẻ Ẩn danh cứ comment như thế này nhi? Cơ mà mình không có blog trên blogspot.

    Trả lờiXóa
  2. Em có lúc nào nghĩ rằng, với cái gốc chuyên Toán, nghĩa là có một tư duy tốt về logic, em sẽ có thể nghiên cứu và giảng dạy về sử học một cách thành công? :)

    Nói riêng, anh thấy các học giả về khoa học xã hội thời xưa họ có tư duy rất tốt. Những người nghiên cứu về xã hội đều là những người rất giỏi về tự nhiên. Hoàng Xuân Hãn, Võ Nguyên Giáp, Trần Đức Thảo, Nguyễn Mạnh Tường và rất nhiều người khác, đều là những người rất giỏi. Những người khác như Đào Duy Anh, Trần Huy Liệu, Trần Văn Giàu cũng là những người giỏi, hay như các ông Phan Huy Lê, Đinh Xuân Lâm, Hà Văn Tấn, Trần Quốc Vượng...

    Mấy chục năm nay, anh thấy một tình cảnh rất đáng buồn là rất nhiều người đi theo các ngành xã hội chỉ vì lý do "không học được các ngành khác". Nói khác đi là nhiều người trong số đó có tư duy không tốt. Anh xin lỗi nếu điều đó có thể gây xúc phạm tới ai đó. Anh cũng tự nhận đây là một nhận xét cảm tính, dựa trên quan sát sự lựa chọn của học sinh phổ thông về môn học và ngành nghề ĐH.

    Trả lờiXóa
  3. Tiếp đoạn trên. Hình như blogspot ko cho viết dài hay sao ấy? :(
    Tình cảnh các ngành xã hội ở VN hiện nay phải nói là rất thê thảm. Hầu như không có ai có thể đạt đến tầm của các học giả thời xưa như anh kể tên ở trên. Anh đã đọc dc rất nhiều bài báo nói về điều này. Cái nhìn của xã hội về các ngành này thì phải nói là cũng thê thảm luôn. Không có người giỏi thì, chẳng hạn, các sự thực lịch sử sẽ luôn nằm trong bóng tối, đọc một đống sách mà chẳng thu được kiến thức gì. Nguyên nhân thì có rất nhiều, lúc nào có dịp ta bàn sau vậy.

    Trong tình cảnh đó, việc khuyến khích những người có tư duy tốt đi học về khoa học xã hội là điều anh nghĩ rất quan trọng. Cho dù có thể ban đầu hơi thiệt thòi so với các ngành nghề khác, nhưng về lâu dài anh nghĩ họ sẽ được bù đắp khi mà xã hội thay đổi và có một đánh giá công bằng hơn, và biết đâu đến một lúc nào đó, những người như em sẽ trở thành vốn quý của đất nước.

    Vài dòng tâm sự vậy, hy vọng em vững bước trên con đường của mình. Nghiên cứu lịch sử nói riêng và khoa học xã hội nói chung là một việc rất thú vị. Cá nhân anh cũng thỉnh thoảng vẫn tìm hiểu về mấy thứ này. Mục đích chính là đi tìm sự thực về một giai đoạn đã qua, hiểu rõ hơn về nguồn cội của mình. Hiện giờ các tài liệu về lịch sử của VN rất thiếu và nhiều sai lạc, nhiều khi ko biết tin vào đâu.

    Trả lờiXóa