29 tháng 12, 2010

Đào Hoài Giang

           Đó là tên của cô giáo dạy Sử của tôi ngày lớp 9 - người đã khiến tôi tin rằng người-giỏi-Sử-cũng-là-người-giỏi! Nói vậy nghĩa là ngày ấy tôi (và có lẽ tư tưởng chung của rất nhiều người bây giờ) cho rằng Sử là môn học thuộc, người giỏi thì giỏi Toán, Lý... chứ mấy ai chọn Sử bao giờ.
           Cô Giang tôi, nếu xét về hình thức thì đầy thua thiệt. Cô bé nhỏ, không xinh và yếu nữa. Nhưng cô rất giỏi. Khi chúng tôi lít nha lít nhít lớp 8, lớp 9 thì cô đã là Thạc sỹ rồi. Ngày ấy Thạc sỹ là hoành tráng lắm chứ đâu phổ cập như bây giờ. Cả trường cấp 2 Nguyễn Chích - trường chuyên đoàng hoàng nhé, đã rất tự hào vì đa số GV trình độ ĐH, duy nhất cô Giang là Th.S thôi ạ. Ấn tượng nhất của lũ học trò về cô có lẽ là cách cô bước vào lớp, cúi chào kiểu Nhật - nghĩa là gập người, cúi thật sâu. Ai cũng thấy lạ và thích thú với điều đó.
           Lứa chúng tôi là lứa học sinh cuối cùng cô dạy bởi sau cô chuyển công tác lên Phòng Giáo dục - làm chuyên viên. Khi nghe cô chia sẻ đang lựa chọn "nên đi hay nên ở" trí óc non nớt của tôi đã nghĩ rằng: Nguyễn Chích là trường "xịn" như vậy thì cô còn đi đâu nữa? Thật là...
           Cô nói: Vì chúng tôi là lứa cuối cùng nên dù thế nào cũng phải đạt giải cao. Thứ nhất là cô muốn vậy, thứ hai là để tránh việc mọi người bàn ra tán vào rằng cô sắp đi nên không thực sự tâm huyết. Có lẽ vì thế mà cô đã thực sự "rút ruột" dạy dỗ chúng tôi.
           Tôi còn nhớ rõ là ngày ấy học phí ôn đội tuyển là 365 nghìn 1 đứa, tổng cộng 10 đứa cộng cả hỗ trợ nữa là khoảng 4 triệu. Với ngần ấy tiền lương, cô dạy chúng tôi suốt 3 tháng. Rất nhiều lần phô tô tài liệu, giấy kiểm tra, thậm chí cô mua cả bút kim cho lũ chúng tôi mà chẳng hề lấy tiền dù cô có dư dả gì. Thói quen viết bút kim, mực xanh của tôi có lẽ cũng được hình thành từ đó. Kỳ lạ là tôi nhớ rất nhiều thứ về cô, đặc biệt là những tâm sự bên lề mà cô kể cho chúng tôi - những đứa trẻ 13, 14 tuổi.
          ...Rằng cô sinh ra trong 1 gia cảnh đặc biệt. Cô sống cùng với cả những đứa em cùng cha khác mẹ. Nhà cô ở khu Mật Sơn, tính ra mỗi lượt cô phải đi hơn 10 km, mà toàn là đi nhờ xe, cô làm gì có xe máy. Nhà nghèo, cô phải tự lo cho cuộc sống của mình. Thời Đại học, đầu tiên cô là SV Văn khoa nhưng chả hiểu thế nào lại bị chuyển sang khoa Sử. Nhưng cô vẫn tốt nghiệp xuất sắc, được suất học bổng du học bên Đức. Song vì lý do sức khỏe, cô đành lỡ hẹn với giấc mơ của mình. Cuối cùng, như 1 quy luật bất thành văn, cô về quê, trở thành 1 cô giáo làng. Vâng, 1-thạc-sỹ-dạy-cấp-2-ở-quê! Và thật tình cờ, người đi thay suất học bổng của cô, sau này trở thành Giảng viên - dạy tôi môn Cơ sở Văn hóa ở trường Nhân Văn! (điều này tôi biết được cũng thật tình cờ từ những xâu chuỗi của cá nhân)
            Chuyện Tình yêu của cô cũng truân chuyên! Tôi vẫn thường được nghe mấy cậu trai nói rằng "cái khổ của người phụ nữ là đã xấu nhưng lại giỏi". Cô tôi không xinh và dĩ nhiên, không ngốc. Có phải vì thế mà lận đận chăng? Có 1 mối tình của cô mà chúng tôi đều biết: cô yêu 1 thầy giáo dạy Hóa trong trường, nhưng trớ trêu thay - thầy đã có vợ. Còn cô, cứ đơn phương với tình cảm của mình. Cứ như vây, gần 30 tuổi, cô vẫn lẻ bóng. Đến mãi sau này, học cấp 3 rồi, trong câu chuyện của chúng tôi về cô vẫn luôn thường trực câu hỏi: cô lấy chồng chưa nhỉ?
           Nhiều, nhiều lắm những kỷ niệm về cô. Và với tôi, con lợn sứ bé bé xinh xinh - cô tặng cho 10 đứa trước ngày thi Tỉnh như 1 vật may mắn là hình ảnh không bao giờ phai nhạt.
           Kết quả thi của cả đội tuyển đều tốt, như món quà cuối cùng chúng tôi có thể dành tặng cô. "Cô sẽ không bao giờ dạy học ở đây nữa, nếu có thì chỉ ở Lam Sơn hoặc Hồng Đức thôi". Tôi tin lời cô. Vào cấp 3 Lam Sơn, học với thầy Hồ (chứ không phải cô), điều này làm tôi thắc mắc và nuối tiếc vô cùng. Sau này thì tôi thấm thía hơn bao giờ hết cái lý do "cô không vào Lam Sơn dạy được" của cô. Và cả của tôi nữa
..........
          Đã 9 năm rồi nhưng xem ra ấn tượng về đội tuyển lớp 9 vẫn còn rõ rệt lắm. Xem nào: tôi, Quỳnh, Nguyễn Thanh, Huệ, Ánh, Hiền B, Thùy, Phương, Lan Anh, Trung "Mỏ Cằn". 10 đứa! Giờ này mỗi đứa 1 khác. Nghe đâu Hiền B (được giải 3 tỉnh nhé) đã dở dang con đường học hành, đã lấy chồng và có con rồi. Nguyễn Thanh, Huệ cùng học chuyên Sử cấp 3 nhưng lên ĐH, Thanh học "công tác xã hội", Huệ học hành chính. 6 đứa còn lại chả đứa theo theo Sử, chúng toàn học kinh tế, tài chính, hay ít ra là GV dạy Toán. Quỳnh thì nói vui là "viết tiếp giấc mơ còn dang dở" cho Cô, trở thành GV dạy Văn. Duy nhất tôi học Sử, tại trường ĐH của cô. Tôi sẽ làm thay cô những gì cô chưa làm được. Tôi hứa!
           Còn cô! Cô tôi giờ làm phó Phòng GD huyện Đông Sơn. Cô cũng đã lấy chồng rồi, chồng cô là bộ đội - họ hàng gì đấy với Thanh. Ngày xưa buồn cười là tôi luôn so sánh cô với Tản Đà - "tài cao, phận thấp, chí khí uất", giờ thì tôi chẳng bao giờ so sánh như vây cả vì tôi tin cô đã có tất cả những gì 1 người phụ nữ cần: 1 gia đình, 1 chỗ đứng! Và tôi cũng thôi suy nghĩ về cô.
           Có phải già không khi tôi có thể quên rất nhanh những thứ vừa xảy ra nhưng lại nhớ mãi những gì đã qua. 9 năm chỉ để thăm cô 1 lần dù gia đình nhỏ của cô chỉ cách nhà tôi gần 3 km. Tết này, nhất định, tôi sẽ trở lại thăm cô. Không phải với tư cách 1 đồng nghiệp, tôi không thích như thế, bởi vì, tôi mãi chỉ là, đứa học trò của cô, năm xưa, mà thôi....

1 nhận xét:

  1. Anh cũng học với cô, từ thời còn là trường Năng khiếu Đông Sơn. Cũng lớp 9, cô mới chuyển về và phụ trách lớp, dù là lớp Toán. Rất ấn tượng với một con người nhỏ bé nhưng ý chí mãnh liệt.

    Trả lờiXóa