Mấy hôm trước nghe tin thảm họa ở Nhật, lúc đầu cũng không quan tâm lắm vì động đất ở Nhật khác nào cảnh...tắc đường ở Hà Nội. Nhưng đến lúc này thì thấy hoang mang.
Mặc dù sinh ra ở miền Trung nhưng từ bé đến giờ tôi may mắn chưa biết thế nào là lũ lụt, thiên tai hay 1 cái gì đại loại thế, chưa bao giờ phải đối mặt với nguy hiểm nên không thể thấu hiểu hết được cảm giác của người Nhật - những ngày qua. Chắc hẳn là phải kinh hoàng lắm, khủng khiếp lắm. Xem ảnh, clip, đọc tin mà thấy cứ như là cảnh trong những bộ phim bom tấn của Mỹ. Không dám hình dung đời thật sẽ như thế nào.
Có 1 điều tôi đã cảm nhận rõ ràng về nước Nhật. Đó là sự cô đơn. Tokyo chỉ có màu xám lạnh của những tòa nhà chọc trời, những công trình, nhà máy, cầu cảng... và màu đen của trang phục - những bộ vest choàng dài đến gối, của những đôi giày đen bóng loáng. Và tiếng của kim loại: loảng xoảng của khay đựng đồ ăn trong các cửa hàng, tiếng kèn kẹt của tàu điện ngầm, tiếng lộp cộp của đế giày... Đông đúc, đi ngang qua nhau - vội vã. Cô đơn, lạc lõng giữa cả biển người.
Ngày hôm nay, có thêm sự cảm nhận sâu sắc về nước Nhật. Đó là sự can đảm. Phải chăng những tấm ảnh minh họa đã được "chọn lọc" để đưa lên? Phải chăng người Nhật quá giỏi trong việc tiết chế cảm xúc? Tuyệt không thấy sự sợ hãi, hoảng loạn. Vẫn im lặng, nguyên tắc, bình thản và kiên cường đến lạ kỳ. Hay bởi vì họ đã quá quen với việc đối phó với động đất? Không hẳn bởi đây là thảm họa lớn nhất trong 140 năm qua kia mà. Chợt nhớ đến câu chuyện thầy giáo kể về những võ sỹ Samurai để bảo vệ danh dự đã tự rạch bụng của mình. Quả thật thấy khâm phục, nghiêng mình trước bản lĩnh, tinh thần Nhật Bản. Những du học sinh Việt Nam đang tìm cách để có thể "về nhà, về với gia đình". Nếu lạc quan nhìn xung quanh, người dân Nhật có thể "không có 1 nơi để đi, không có 1 nơi để tìm về" nhưng họ vẫn bình tĩnh sống và làm việc, kiểm soát tình hình để hạn chế thấp nhất mức thương vong, thiệt hại. Bỗng nảy 1 so sánh có thể hơi khập khiễng và buồn cười. Trước sự sống và cái chết, người Nhật vẫn tuyệt đối nguyên tắc: bình tĩnh, đứng xếp hàng chờ xe bus, vào siêu thị thì ở nước ta, cả ngàn người chen lấn, thâm chí trèo cây chỉ để xem vây bắt cụ Rùa. Và nếu là người Nhật chắc hẳn cũng không có thảm họa giẫm đạp nhau như ở Campuchia hay những vụ giành giật, "cướp" lộc trong những lễ hội tháng Giêng ở ta...
Ở 1 vị trí có thể nói là "xấu" nhất thế giới nhưng lịch sử đã ghi nhận "bước nhảy thần kỳ" nền kinh tế của Nhật những năm sau chiến tranh thế giới. Bài học đầu tiên của chúng ta: Việt Nam rừng vàng, biển bạc, đất phì nhiêu... còn bài học đầu tiên của trẻ em Nhật Bản là: Nước Nhật không có tài nguyên thiên nhiên, con người là tài nguyên quý giá nhất của đất nước. Nếu được tận mắt chứng kiến kết cấu hệ thống đối phó động đất ở Nhật hẳn ai cũng phải choáng ngợp. Nhưng dẫu sao, con người vẫn là quá yếu đuối, nhỏ bé trước sự giận dữ của thiên nhiên. Khó có thể đổ lỗi cho nước Nhật, chỉ có thể chia sẻ, chia sẻ và chia sẻ mà thôi.
Vậy là năm nay, tháng Ba Nhật Bản lại thu hút sự quan tâm của toàn thế giới. Nhưng không phải là để chiêm ngưỡng tháng lên ngôi rực rỡ của hoa anh đào mà là để hàn gắn những mất mát, đau thương.
Vậy là năm nay, tháng Ba Nhật Bản lại thu hút sự quan tâm của toàn thế giới. Nhưng không phải là để chiêm ngưỡng tháng lên ngôi rực rỡ của hoa anh đào mà là để hàn gắn những mất mát, đau thương.
Mặc dù dư chấn thảm họa vẫn chưa kết thúc nhưng tôi thực sự tin rằng, người Nhật sẽ nhanh chóng vượt qua được mất mát này. Sau cơn địa chấn sẽ lại những nhiều bài học quý. Và thế giới lại phải nghiêng mình trước cái tôi cho là tính từ: Nhật Bản!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét