29 tháng 12, 2010

Đào Hoài Giang

           Đó là tên của cô giáo dạy Sử của tôi ngày lớp 9 - người đã khiến tôi tin rằng người-giỏi-Sử-cũng-là-người-giỏi! Nói vậy nghĩa là ngày ấy tôi (và có lẽ tư tưởng chung của rất nhiều người bây giờ) cho rằng Sử là môn học thuộc, người giỏi thì giỏi Toán, Lý... chứ mấy ai chọn Sử bao giờ.
           Cô Giang tôi, nếu xét về hình thức thì đầy thua thiệt. Cô bé nhỏ, không xinh và yếu nữa. Nhưng cô rất giỏi. Khi chúng tôi lít nha lít nhít lớp 8, lớp 9 thì cô đã là Thạc sỹ rồi. Ngày ấy Thạc sỹ là hoành tráng lắm chứ đâu phổ cập như bây giờ. Cả trường cấp 2 Nguyễn Chích - trường chuyên đoàng hoàng nhé, đã rất tự hào vì đa số GV trình độ ĐH, duy nhất cô Giang là Th.S thôi ạ. Ấn tượng nhất của lũ học trò về cô có lẽ là cách cô bước vào lớp, cúi chào kiểu Nhật - nghĩa là gập người, cúi thật sâu. Ai cũng thấy lạ và thích thú với điều đó.
           Lứa chúng tôi là lứa học sinh cuối cùng cô dạy bởi sau cô chuyển công tác lên Phòng Giáo dục - làm chuyên viên. Khi nghe cô chia sẻ đang lựa chọn "nên đi hay nên ở" trí óc non nớt của tôi đã nghĩ rằng: Nguyễn Chích là trường "xịn" như vậy thì cô còn đi đâu nữa? Thật là...
           Cô nói: Vì chúng tôi là lứa cuối cùng nên dù thế nào cũng phải đạt giải cao. Thứ nhất là cô muốn vậy, thứ hai là để tránh việc mọi người bàn ra tán vào rằng cô sắp đi nên không thực sự tâm huyết. Có lẽ vì thế mà cô đã thực sự "rút ruột" dạy dỗ chúng tôi.
           Tôi còn nhớ rõ là ngày ấy học phí ôn đội tuyển là 365 nghìn 1 đứa, tổng cộng 10 đứa cộng cả hỗ trợ nữa là khoảng 4 triệu. Với ngần ấy tiền lương, cô dạy chúng tôi suốt 3 tháng. Rất nhiều lần phô tô tài liệu, giấy kiểm tra, thậm chí cô mua cả bút kim cho lũ chúng tôi mà chẳng hề lấy tiền dù cô có dư dả gì. Thói quen viết bút kim, mực xanh của tôi có lẽ cũng được hình thành từ đó. Kỳ lạ là tôi nhớ rất nhiều thứ về cô, đặc biệt là những tâm sự bên lề mà cô kể cho chúng tôi - những đứa trẻ 13, 14 tuổi.
          ...Rằng cô sinh ra trong 1 gia cảnh đặc biệt. Cô sống cùng với cả những đứa em cùng cha khác mẹ. Nhà cô ở khu Mật Sơn, tính ra mỗi lượt cô phải đi hơn 10 km, mà toàn là đi nhờ xe, cô làm gì có xe máy. Nhà nghèo, cô phải tự lo cho cuộc sống của mình. Thời Đại học, đầu tiên cô là SV Văn khoa nhưng chả hiểu thế nào lại bị chuyển sang khoa Sử. Nhưng cô vẫn tốt nghiệp xuất sắc, được suất học bổng du học bên Đức. Song vì lý do sức khỏe, cô đành lỡ hẹn với giấc mơ của mình. Cuối cùng, như 1 quy luật bất thành văn, cô về quê, trở thành 1 cô giáo làng. Vâng, 1-thạc-sỹ-dạy-cấp-2-ở-quê! Và thật tình cờ, người đi thay suất học bổng của cô, sau này trở thành Giảng viên - dạy tôi môn Cơ sở Văn hóa ở trường Nhân Văn! (điều này tôi biết được cũng thật tình cờ từ những xâu chuỗi của cá nhân)
            Chuyện Tình yêu của cô cũng truân chuyên! Tôi vẫn thường được nghe mấy cậu trai nói rằng "cái khổ của người phụ nữ là đã xấu nhưng lại giỏi". Cô tôi không xinh và dĩ nhiên, không ngốc. Có phải vì thế mà lận đận chăng? Có 1 mối tình của cô mà chúng tôi đều biết: cô yêu 1 thầy giáo dạy Hóa trong trường, nhưng trớ trêu thay - thầy đã có vợ. Còn cô, cứ đơn phương với tình cảm của mình. Cứ như vây, gần 30 tuổi, cô vẫn lẻ bóng. Đến mãi sau này, học cấp 3 rồi, trong câu chuyện của chúng tôi về cô vẫn luôn thường trực câu hỏi: cô lấy chồng chưa nhỉ?
           Nhiều, nhiều lắm những kỷ niệm về cô. Và với tôi, con lợn sứ bé bé xinh xinh - cô tặng cho 10 đứa trước ngày thi Tỉnh như 1 vật may mắn là hình ảnh không bao giờ phai nhạt.
           Kết quả thi của cả đội tuyển đều tốt, như món quà cuối cùng chúng tôi có thể dành tặng cô. "Cô sẽ không bao giờ dạy học ở đây nữa, nếu có thì chỉ ở Lam Sơn hoặc Hồng Đức thôi". Tôi tin lời cô. Vào cấp 3 Lam Sơn, học với thầy Hồ (chứ không phải cô), điều này làm tôi thắc mắc và nuối tiếc vô cùng. Sau này thì tôi thấm thía hơn bao giờ hết cái lý do "cô không vào Lam Sơn dạy được" của cô. Và cả của tôi nữa
..........
          Đã 9 năm rồi nhưng xem ra ấn tượng về đội tuyển lớp 9 vẫn còn rõ rệt lắm. Xem nào: tôi, Quỳnh, Nguyễn Thanh, Huệ, Ánh, Hiền B, Thùy, Phương, Lan Anh, Trung "Mỏ Cằn". 10 đứa! Giờ này mỗi đứa 1 khác. Nghe đâu Hiền B (được giải 3 tỉnh nhé) đã dở dang con đường học hành, đã lấy chồng và có con rồi. Nguyễn Thanh, Huệ cùng học chuyên Sử cấp 3 nhưng lên ĐH, Thanh học "công tác xã hội", Huệ học hành chính. 6 đứa còn lại chả đứa theo theo Sử, chúng toàn học kinh tế, tài chính, hay ít ra là GV dạy Toán. Quỳnh thì nói vui là "viết tiếp giấc mơ còn dang dở" cho Cô, trở thành GV dạy Văn. Duy nhất tôi học Sử, tại trường ĐH của cô. Tôi sẽ làm thay cô những gì cô chưa làm được. Tôi hứa!
           Còn cô! Cô tôi giờ làm phó Phòng GD huyện Đông Sơn. Cô cũng đã lấy chồng rồi, chồng cô là bộ đội - họ hàng gì đấy với Thanh. Ngày xưa buồn cười là tôi luôn so sánh cô với Tản Đà - "tài cao, phận thấp, chí khí uất", giờ thì tôi chẳng bao giờ so sánh như vây cả vì tôi tin cô đã có tất cả những gì 1 người phụ nữ cần: 1 gia đình, 1 chỗ đứng! Và tôi cũng thôi suy nghĩ về cô.
           Có phải già không khi tôi có thể quên rất nhanh những thứ vừa xảy ra nhưng lại nhớ mãi những gì đã qua. 9 năm chỉ để thăm cô 1 lần dù gia đình nhỏ của cô chỉ cách nhà tôi gần 3 km. Tết này, nhất định, tôi sẽ trở lại thăm cô. Không phải với tư cách 1 đồng nghiệp, tôi không thích như thế, bởi vì, tôi mãi chỉ là, đứa học trò của cô, năm xưa, mà thôi....

28 tháng 12, 2010

Tại sao tôi học Sử?

            Hầu như ai gặp mình cũng đều thắc mắc: tại sao lại làm GV? tại sao lại học Sử? Đến mình còn thấy lạ, đôi khi còn băn khoăn tự hỏi nhưng âu nó cũng là duyên số vậy.
           Ngay từ bé tí mình đã được bố mẹ đầu tư vào chuyện học hành. Ngày ấy lớp 3 mà đã học gia sư là kinh lắm. Mọi người cứ bảo bây giờ thương trẻ con bị nhồi nhét nhiều chứ mình thấy mình còn kinh khủng hơn. Lớp 1 đã phải lồm cồm bò dậy từ 5h sáng để học bài, 1 ngày bố mẹ giao cho phải làm xong 10 bài toán trong sách "nâng cao" hoặc "bồi dưỡng", làm 1 bài văn (được tính bằng số trang). Còn nhớ phần lời giải phía sau bao giờ bố mẹ cũng cắt ra giữ riêng, mình chuyện rình mò, chôm chỉa để chép cho nhanh. Bắt đầu lớp 3 đã làm quen với các thể loại thi HSG: từ cấp trường, cấp thành phố, rồi cấp tỉnh, cấp QG (hồi ấy thì cái cấp này mình không đủ trình để được đi thi, hehe). Gắn liền với nó là ôn luyện, bồi dưỡng... Và cũng vì thế mà chuyển trường liên tục: tiểu học Trần Phú, Ba Đình, Nguyễn Chích...
           Mình cũng may mắn được học toàn thầy giỏi. Cứ nghe thầy nào có tiếng là các bố mẹ lại lục tục kéo nhau đến nhà thầy xin học. Sở dĩ mình gọi là "các bố mẹ" vì ngày ấy cả phố có 5 đứa được coi là học hành giỏi giang, được học trường chuyên lớp chọn cơ mà, oách lắm! Nên thành ra  mỗi đứa có những 10 bố mẹ liền.
         Cứ thế, mình từ bé đã được tạo điều kiện học hành bài bản, lớp lang ghê lắm. Bước ngoặt là năm lớp 9. Từ lớp 8 là mình đã chuyển từ trường Trần Phú (gần nhà) lên Nguyễn Chích vì dù là ở "tuyến huyện" nhưng rõ ràng là Nguyễn Chích là trường chuyên, chất hơn hẳn. Tất nhiên là mình lại vào học ở lớp 9B - chuyên Toán. Ừ thì vẫn bị mang tiếng là học giỏi nhưng cái giỏi "cấp phường" của mình chỉ là con tép so với "tuyến huyện" thôi. Nên dù lớp 8 có bon chen đi thi HSG huyện môn Hóa hay môn TA vì vẫn nhận ra rằng không thể có 1 trong 10 suất thi tỉnh các môn Toán, Lý, Hóa được. Nhưng ở trường Nguyễn Chích mà không được đi thi tỉnh thì...kỳ cục lắm, mà mình còn sợ bị đuổi về trường cũ nữa chứ, cho nên cuối cùng thì nhảy phắt sang đội tuyển Sử. Nhưng tại sao lại không phải Văn hay Địa mà nhất định là Sử? Là thế này ạ:
           Môn Văn dĩ nhiên là không thể vì bên cạnh lớp 9B là cả 1 "ông lớn" 9C - chuyên Văn với 1 loạt các tay "anh chị", không đấu được (bây giờ lớp chuyên Văn cũng được lắm). Lại phải lan man thêm 1 chút về anh Hưng - người học cùng, "đối thủ cạnh tranh" với mình suốt 9 năm. 2 anh em học với nhau, ngày nào đi học về các mẹ cũng so điểm, đứa nào thấp điểm hơn thì tha hồ bị đem ra so sánh các kiểu. Hôm ấy trong giờ học Sử, ông Hưng xung phong phát biểu, được cô cho 9 điểm. Thế là câu hỏi tiếp theo (mình còn nhớ rõ câu hỏi về nguyên nhân cách mạng tư sản Anh), mình xung phong (nhìn sách nói rất chi trôi chảy - dù chả hiểu mấy) và được 10 điểm, hiii. Thế là từ đó mình bị đóng đinh là "học được" Sử, haizzz! Vây nên khi (phải) vào 1 đội tuyển nào đó, mình đã vào đội tuyển Sử.
          Nói thật ngày ấy học chuyên Toán mà (phải) học để thi HSG Sử mình thấy...nhục lắm.!Bố mẹ thì điên đảo cả lên, bắt mình bỏ. Mặc dù chẳng hề thích thật nhưng làm sao đủ can đảm để từ bỏ cơ chứ. Ngày đi thi huyện  (lớp 9) còn chả ai biết cơ mà. Kết quả là 10 đứa đi thi, có 9 giải. Và mình...không được giải gì! Tiếp tục đi thi tỉnh (không giống các nơi khác, ở huyện Đông Sơn, thi huyện gần như là thủ tục, lập đội tuyển 10 đứa thi huyện xong thi tỉnh, không nhất thiết đạt giải), lần này...được giải nhất!
          Sau đó thì thi cấp 3. Với trường Nguyễn Chích, và đặc biệt là với 90 đứa trong đội tuyển, các thầy cô sẽ tự động làm hồ sơ thi Lam Sơn. Và rõ ràng, chắc chắn là mình thi và chuyên Sử. Với cái cơ chế cộng điểm thưởng như năm ấy thì mình trượt còn khó hơn đậu. Và (lại) có mặt trong 1 tập thể dính dáng đến môn Sử. Bố mẹ thì không còn điên đảo, nhưng vẫn cực kỳ không thích mình học Sử. Và mình, cũng không thích.
          3 năm cấp 3, vẫn chưa thoát được các cuộc thi liên miên, rồi các khóa 'luyện gà chọi". Rồi lại thi tỉnh, lại thi QG, lại đạt giải. Giờ thì cái cây mình đã trèo cao lắm rồi, đâu có thể nhảy xuống được nữa đâu.
          Mình không phải thi ĐH, được chọn 1 trường nào đấy có khối C là được. Rõ ràng là thích báo chí, rõ ràng là thích những nghề được đứng trước ống kính cơ, nhưng rồi lần thứ 3 lại không đủ can đảm - rõ là tư tưởng cầu an, tiếc và lo lắng nếu không được học đúng thế mạnh của mình, chọn Sư phạm Sử.  Chọn SP vì ít ra không đứng trước ống kính thì đứng trước học trò, được "nói cho người khác nghe". Bố mẹ không còn "cực kỳ không thích" nữa nhưng vẫn luôn luôn so sánh, luôn luôn "giá như"...
          Hiện tại, học Cao học - vẫn Lịch sử nhé nhưng là chuyên ngành Lý luận và phương pháp dạy học. Qua tất cả những gì đã trải qua, đã cố gắng, đã thể hiện... bố mẹ thi thoảng vẫn "tiếc": tại sao lại học Sử? nhưng 2 người cũng đã hài lòng.
         Đấy! "Sai 1 ly, đi 1 dặm" là như thế đấy! Mình là dân Sử nhá, thế mà trong đầu luôn nghĩ rằng mình là gốc chuyên Toán kia.

27 tháng 12, 2010

27-12

           Mấy hôm nay lạnh thật! Trong này cảm thấy bình thường thế thôi chứ mở cửa ra thì mới biết: gió thốc ào ào, lạnh cóng. Tự nhiên nhớ nhà quá thể, muốn về đắp chăn ấm, rủ rỉ rù rì chuyện trò với 2 đứa em, loăng quăng chạy ra chạy vào...
          Cả buổi sáng hôm nay tám chuyện với Quế. 2 đứa như 2 bà già, nhận xét cái này. đánh giá cái kia, đưa ra quan điểm này nọ, buồn cười thật. Qua ăn cơm nhà cô H rồi mấy cô trò xem VNidol suốt buổi chiều. Tối đi học, làm bài kiểm tra giữa kỳ, đề dễ ợt mà vẫn làm sai mới hay chứ.
         Hiện tại thì đúng là chả biết viết gì cho cái entry này đây. Thật! Định viết về bà ngoại, định viết về mấy ngày vừa rồi, nhưng mà chỉ là "định" thôi, haizz!
         Hôm nay là 27-12. Không hiểu sao mình rất nhớ ngày này trong năm: về lý thuyết thì đây là ngày đông chí - ngày lạnh nhất, rồi hôm nay là ngày SN của đứa cháu mình (đứa cháu đầu tiên của họ ngoại nên mình nhớ lắm)... Và hình như váng vất đâu đó những cảm giác của cái gọi là "những ngày cuối năm". Ừ nhỉ?! Lại sắp qua 1 năm, vào những ngày này thấy xốn xang lắm, cảm nhận rõ rệt hơn là thời gian cứ trôi qua kẽ tay mà dù có cố khum khum bàn tay vào nhau vẫn không thể nào hứng được. Mà lại nhắc về thời gian, lại hồi cố - cái bệnh của già cỗi đây mà. Hay là mình cứ đổ cho là lây của bạn Quế nhỉ! :)
        Hôm nay là ngày lạnh nhất trong năm! Leo ngheo nghĩ linh tinh lang tang. Giá mà có ai rủ rỉ rù rì thì hay biết mấy nhỉ...

25 tháng 12, 2010

Noel 2010

           Giáng Sinh năm nay không rộn ràng, xí xớn như mọi mọi năm: không lang thang khắp nơi chụp ảnh, không có thời gian đi lượn lờ phố phường, không háo hức soạn tin nhắn chúc mừng cho cả list trong điện thoai, lại về đi đi về về như con thoi...
          Cũng có 1 hang đá bé bé xinh xinh ở trong nhà, cũng có tiệc Giáng Sinh (dù không phải ở nhà mình), cũng có quà, cũng có những lời chúc mừng...
          Năm nay bận rộn hơn, nhưng cảm thấy vui hơn thì phải. Vì đã có 1 GIáng Sinh trọn vẹn, cả ở nơi đây, cả ở quê nhà.
          Với mình, Giáng Sinh bao giờ cũng có ý nghĩa đặc biệt!!!

13 tháng 12, 2010

Lớp học đầu tiên

          Cuối cùng cũng hết 90 tiết Chính trị. Cuối cùng thì cũng hoàn thành xong "nhiệm vụ". Cuối cùng thì cũng được nhận đồng lương "chính thống" đầu tiên. Nói là chính thống nghĩa là tiền này từ việc mình dạy học - đứng trên bục giảng chứ không phải làm vệc văn phòng hay cong lưng đi gia sư như hồi năm nhất. Cảm xúc thật là khó tả. Vui, hạnh phúc, hài lòng, và cả tự hào nữa.
          Có thể nói mình đã làm tốt. Mình đã cố gắng hết sức, thậm chí là "rút ruột" bao nhiêu là bài học, bao nhiêu kinh nghiệm mình có để trao đổi với học trò. Mình đã đạt được mục tiêu khi bắt đầu. Cái mình lãi nhất là những tình cảm quý mến, sự ngưỡng mộ rất chân thành mà họ dành cho mình. Nhìn vào mắt của những người lắng nghe, mình càng cảm thấy tự tin hơn bao giờ hết. Thật sự mong muốn có 1 môi trường để mình có thể thỏa sức vẫy vùng, thỏa sức đốt cháy đam mê và tâm huyết.
          Đó quả là 1 sự khởi đầu tốt đẹp. Tự biết sẽ phải trở thành 1 GV như thế nào. Cố gắng và hoàn toàn tin rằng sẽ làm được!
          Cảm ơn KTNH1-K9! Cảm ơn chính mình, Nhung ạ!

9 tháng 12, 2010

Tình đầu *

             Lũ chúng tôi sinh ra và lớn lên trong cùng một khu tập thể. Đi học cũng luôn chung trường, chung lớp, thậm chí chung bàn. Hai người là mối tình đầu dài đằng đẵng của nhau đến hơn chục năm trời và đều là bạn thân thiết của tôi từ thời con nít. Cả hai đẹp nổi tiếng một thời, gia đình lại khá giả. Khi thiên hạ còn phải phồng mang trợn mắt nhai đến nghẹn họng cái món bo bo và bánh nắp hầm ("đặc sản" thời bao cấp) thì “anh, ả” đã ăn mặc đẹp, cưỡi xe Mifa và Eska lượn phố. Đi đâu cũng dính nhau như nhựa. Xuất hiện ở đâu ai cũng phải ngoái nhìn và phụt ra mấy câu trầm trồ, thán phục. Đẹp đôi là thế, yêu nhau là thế, môn đăng hộ đối là thế nhưng rốt cuộc đám cưới cũng không thành. Ông Tơ bà Nguyệt chắc mắt toét. Chuẩn bị cưới thì giải tán. Cả hai tưởng chết được vì đau khổ. Sau vài năm, cô bạn tôi lấy chồng. Không ngờ cái số bạn son, vớ được anh chồng tử tế nhất mực. Bạn tôi hạnh phúc tràn trề. Không ít lần bạn bảo: mối tình đầu không thành hóa ra lại là may. Còn tôi, chua ngoa hơn, bảo bạn: đáng ra mày phải nói “Giời còn thương tao nên không bắt tao cưới mối tình đầu”.
           Tổ sư bố đồ con đĩ. Mày chỉ là con Ô-sin già trong cái nhà này thôi nhá. Tao cho mày ở cái nhà này ngày nào thì mày biết ngày đấy nhá.
           Cứ thế, suốt cả thời gian dài, ngày nào cũng vậy, cứ gần nửa đêm lão hàng xóm lại gầm lên chửi bới vợ ầm ĩ.
           Chị vợ là người trung hậu, tử tế và …. nhẫn nhục.
           Không ít lần, một giờ sáng hàng xóm vẫn còn thấy chị vợ lẳng lặng dắt xe ra khỏi nhà.
           Cả hai vợ chồng đều thuộc loại thành đạt và giàu có trong xã hội.
           Nghe nói, hai người là bạn học từ thời con nít và là mối tình đầu của nhau. Yêu nhau đắm đuối đến cả chục năm mới kết hôn.
          Sực nhớ có lần ông cậu ruột tôi (nhà thơ nên thường “ngoa ngôn”) bảo: khốn nạn cho ai lấy phải mối tình đầu.
          Chẳng biết với thiên hạ thì thế nào, còn tôi, cách đây đã nhiều năm, trong một lần chát chit lăng nhăng với người yêu đầu (từ thời con nít) đã cao hứng dốc toẹt: “Đến chết vẫn không hiểu làm sao ngày xưa tớ có thể yêu được cậu”, ha ha…
         Nghe thiên hạ đồn rằng hình như cậu này vẫn chưa lấy vợ.
         Dám chắc là mình không có tội hay chứng cứ liên lụy trong chuyện này, hê hê…
                                                       ----------------
                                                                                                       N.Thị Phương Hoa
-------------------------------------------------------------------------------
* Bài viết từ blog của cô giáo Nguyễn Thị Phương Hoa - GV bộ môn Tâm lý - Giáo dục

6 tháng 12, 2010

Tuần Sinh nhật

          Thế là tớ cũng đã tròn 22 tuổi, bước sang tuổi 23 và chỉ gần 1 tháng nữa thôi là có quyền nói 24. Chả biết nên vui hay nên buồn nữa cơ các bạn của tớ ạ. Ngày trước tớ cứ mong mãi, mong mãi cho mình 20 tuổi - cho nó người nhớn. Giờ thì cứ vùn vụt vùn vụt. Cái tuổi nó đuổi cái xuân đi là như thế đấy, hic!
           Chẳng bao giờ tổ chức SN 1 ngày cả, mà cứ phải là cả tuần. CN tuần trước là dành cho các bạn cấp 3. Mọi người đã có 1 bữa kara thật vui, thật thích. Bạn Thành tỏa sáng với "sông Đakrong mùa xuân về" và "Mắt nai cha cha cha". Bạn Dũng thì gần như "thoát xác" với việc lần đầu tiên cướp mic. Đêm nhạc cũng ghi nhận giọng ca triển vọng của Huyền cô nương và nàng Thúy. Tất nhiên, Hiền Nguyễn và Xuân Quỳnh Nguyễn Thị vẫn giữ được phong độ ổn định của mình. Chỉ riêng có tớ là sa sút, lạc giọng ngay từ những bài đầu tiên. Chán thế! Nhưng ít ra tớ cũng được ghi nhận là hôm ấy hiền lành, giản dị hơn hẳn. Hehe. Đại nhạc hội kết thúc vui vẻ. Tớ cảm ơn các bạn nhiều nhiề!
         Tiếp theo, giữa tuần là bữa lẩu được tổ chức tại nhà tớ, vào ngày SN chính. Lần này thì có Quỳnh, Dũng, bạn Tuấn và các anh chị tớ. SN có hoa, có nến, có bánh gato, có mực (của bạn Dũng); có gà (của bạn Thảo); có pờ rô jếch (của bạn Quế)... Những món quà, những tấm thiệp thật đặc biệt, Nhận những món quà của các bạn, tớ cảm thấy cực kỳ hạnh phúc.
         Và cuối tuần, bạn Bình từ Vinh ra. Thế là lại có cớ để tụ tập, để chè chén. Những món quà nhận được của các bạn thân yêu làm tớ ấm áp vô cùng (cả nghĩa đen và nghĩa bóng). Thương bạn lắm lắm! Yêu bạn lắm lắm! Tớ luôn luôn tự hào về tình bạn của chúng ta, và tớ luôn mong muốn nó sẽ bền chặt.
         Vậy là, sinh nhật tớ năm nay - dù tớ không còn quá háo hức, hồi hộp như trước, nhưng nó đã thật đặc biệt! Còn nhiều lắm những điều tớ cảm nhận được trong SN năm nay nhưng bây giờ thì tớ không thể diễn tả hết được. Tớ chỉ biết là tớ đã rất vui, tớ cảm ơn các bạn! Hy vọng rằng sang tuổi mới, tớ sẽ có thật nhiều niềm vui và những điều mới mẻ... và tớ sẽ share cho các bạn, nhé! :)

24 tháng 11, 2010

Linh ta linh tinh

            Buổi sáng đi gặp 1 người bạn. Quán cafe này lần đầu tiên mình đến: không gian thoáng ,rộng rãi, đặc biệt có thể hát kara tại phòng và có rất nhiều trò chơi thú vị nữa. Mình cảm thấy thích nơi này. Hắn nói tiếng Việt chắc chắn là giỏi hơn mình nói Tiếng Anh, có khi còn hơn cả tiếng Việt của mình ấy chứ! >.< Còn biết dùng cả tiếng lóng như "giờ cao su" rồi (nhiều người lái xe) "tầm bậy tầm bạ" nữa cơ mà! @_@
           Cái làm mình chán nhất ngày hôm nay là vì 1 chút hiểu lầm và sự chậm trễ của mình nên lịch học TA tại Language Link trùng vào lịch học ở trường. Chắc chắn sẽ phải nghỉ 1 trong 2 rồi, chưa biết sẽ phải sắp xếp thế nào đây! T_T Hôm nay thì mình chọn học ở LL.
          Buổi học đầu tiên diễn ra khá suôn sẻ. Anh thầy đẹp trai thôi rồi (mình thì mình thấy giống Jacob trong New moon), lại vui tính hài hước nữa. Buổi học hôm nay chủ yếu là mọi người giới thiệu, làm quen với nhau thôi nhưng cũng đủ thấy là mình phát âm tệ thế nào! Haizz! Mọi thứ đều ổn, chỉ có điều là thấy đến thì muộn mà sao về đúng giờ thế! ;)) Ôi,  tiền của tôi! Tiếc quá! Tiếc quá! Về đến nhà rồi mới phát hiện là để quên cái khăn ở lớp, sau khi suy nghĩ 10s quyết định vòng xe lại. Phòng học đã có lớp khác. Con bé mở cửa, líu lô 1 tràng TA (nó cũng chả nhớ là nó nói gì nhưng sai là chắc, hic). Ôm cái khăn (đang nằm ngoan ngoãn dưới đất - trong góc, thương thế!), rồi con bé lút cút ra về!
          Hết 1 ngày kỳ cục!

22 tháng 11, 2010

Nó là người hạnh phúc

          Về nhà 4 ngày, hôm nay lại quay trở ra Hà Nội tiếp tục những công việc còn dang dở. Đúng là ông bà ta đã nói "sểnh nhà ra thất nghiệp", không đâu bằng ở nhà mình. 5 năm ở đây rồi mà mỗi lần về quê ra vẫn cứ thấy nhơ nhớ, nao nao.
          Về đến nhà là tràn ngập cảm giác bình yên, thanh thản và...an toàn lạ lùng. Được cái cả nhà ai cũng hay nói hay cười nên lúc nào cũng rộn ràng. Lần nào cũng thế, về là buôn với mẹ. Đến chiều bọn chúng đi học về lại bắt đầu điệp khúc: "Nhung biết gì chưa?" rồi sau đó là "sao mà chuyện gì cũng biết nhanh thế?" (hehe, chúng có biết đâu là mẹ đã cập nhật cho 1 đống tin tức nóng hổi rùi)
          Có lúc nó nghĩ rằng, cuộc sống của nó nhàm tẻ. Có lúc nó cứ so sánh mình với người khác để tự gặm nhấm nỗi buồn bực, ghen tỵ. Có lúc nó lo lắng cho tương lai phía trước liệu có được như nó mong muốn hay không. Nó khi thì thấy mình thật hiền lành khi lại đanh đá nhỏ nhen. Nó bao nhiêu lần tự hỏi "mình có hạnh phúc không?". Và bây giờ nó biết, nó là người hạnh phúc! Nó rất thích khi được nghe điều ấy!
          Nó có 1 người mẹ với nó là hoàn hảo. Mẹ của nó không dịu dàng, nhẹ nhàng nhưng vô cùng nhân hậu và cực kỳ đảm đang. Nó thần tượng đôi bàn tay của mẹ nó.  Đôi bàn tay ấy đã quán xuyến toàn bộ công việc trong gia đình, dòng họ. Đôi bàn tay ấy đã bọc sách, dán nhãn vở, tết tóc cho nó 12 năm ròng. Đôi bàn tay ấy đã từng tặng cho nó những trận đòn lên bờ xuống ruộng mỗi khi nó lười học, hư thân. Đôi bàn tay ấy có thể cấy gặt thoăn thoắt, tát nước nhổ cỏ, đóng ván khuân luồng. Đôi bàn tay ấy cũng có thể may những bộ quần áo, ga gối, màn rèm đẹp nhất, có thể nấu những món ăn ngon nhất, có thể cắm những lọ hoa đẹp nhất... Mẹ nó - người đã khóc khi nằm cạnh nó trong đêm cuối cùng trước khi nó ở lại Hà Nội - 1 mình - nhập học. Nhưng mẹ nó - cũng là người đã "đóng vai giang hồ" để bảo vệ 3 chị em nó khi bọn cướp xông lên trong chuyến xe về quê nội. Nó luôn nghĩ có học cả đời nó cũng không bằng 1 góc của mẹ, và chưa bao giờ có 1 việc gì nó làm hơn được mẹ. Mẹ nó - 1 nông dân bình thường nhưng là người giỏi giang nhất nó từng gặp. Nó yêu mẹ như muối.
         Nó có 1 người bố với nó là tuyệt vời.  Bố nó - người đã thức trắng đêm chỉ vì suy nghĩ 1 câu nói vô tâm của nó. Bố nó - người sẽ "đuổi thẳng cổ" những thằng con trai nào không tốt với nó. Bố nó - người "sẽ là cái cây cho nó dựa vào suốt đời". Bố nó - người "ngụ cư" được tất cả họ hàng làng xóm yêu quý, kính nể. Bố nó - không bia rượu, thuốc lá, cờ bạc... Bố nó hay quát to nhưng kỳ thực rất hiền và tâm lý. Bố nó - phóng khoáng, chính trực và khôn ngoan. Bố nó - 1 người lính bình thường nhưng là người chỉ huy vĩ đại của đời nó. Nó yêu bố như đường.
         Nó có 2 đứa em sàn sàn tuổi nhau. Em nó không thông minh xuất chúng nhưng đủ làm nó tự hào. Em nó cãi bố mẹ lem lẻm, lười nhác không ai bằng nhưng quan trong trọng nhất chúng là những đứa hiểu chuyện và biết điều. Nó yêu em nó như mật.
         Nó có những đứa bạn thân thiết, những người luôn bên cạnh san sẻ nhiềm vui nỗi buồn và cho nó những lời khuyên bổ ích.
        Nó dù đang thất nghiệp nhưng vẫn được làm những điều mình thích, và nhìn thấy được "phía cuối con đường" mà phấn đấu.
         Nó có 1 phòng trọ bé tí để chăm chút cho sạch sẽ gọn gàng - nơi thân thuộc gần gũi mà nó chiều về là nhớ.
         Nó có 1 bộ sưu tập kỷ niệm đầy ăm ắp mà không phải ai cũng có: những bức ảnh, những tấm thiệp, những lời chúc, những quyển lưu bút... được sắp xếp 1 cách cẩn thận để thỉnh thoảng nó lôi ra ngắm nghía, tự cười 1 mình.
         Nó có...
         Nó có...
         Nó đang có rất nhiều thứ tài sản đáng giá. Nó sẽ không đánh đổi bất cứ thứ gì để đổi lấy vật chất, địa vị phù du đâu. Bố nó nói với nó rằng: "Tiền bạc là quan trọng nhưng hạnh phúc mới là tất cả".
        Cho nên, nếu "Có lúc nó nghĩ rằng, cuộc sống của nó nhàm tẻ. Có lúc nó cứ so sánh mình với người khác để tự gặm nhấm nỗi buồn bực, ghen tỵ. Có lúc nó lo lắng cho tương lai phía trước liệu có được như nó mong muốn hay không" thì ai đó hãy nói cho nó biết rằng: "Nó là người hạnh phúc"
        Nhé!!!

Nó là người hạnh phúc

21 tháng 11, 2010

Miên man: ... & đêm

           Mới chỉ lúc nãy thôi còn vui vẻ rộn ràng, giờ lại thấy lòng ngổn ngang. Cũng chỉ tại đêm. Lần mò trở dậy, bật mt vì sợ đánh rơi cảm xúc.
           Đêm nằm trên đệm êm, chăn ấm đắp ngập cổ, thấy thương bố mẹ thật nhiều...
           Đêm nt chúc mừng cô, cô đang ở trên Ba Vì, hôm nay thi Nghiệp vụ sư phạm. Thấy nhớ lớp, nhớ thời SV... Đã qua rồi cái thủa lửa trại tưng bừng, nhà sàn đêm trắng, hò hát thâu đêm. Nếu năm nay, NVSP tổ chức ở nhà, đã đến, đã ngồi ở hàng ghế cuối để tự nhấm nháp & kiếm tìm bóng hình của mình trong các em khóa dưới...
          Đêm là con bạn thân "đang uống rượu, muốn say mà vẫn tỉnh quá!" Lờ mờ hiểu được 1 điều gì đó dù rằng chẳng hề đoái hoài cần biết đúng - sai?
          Đêm là MSM cho người cũ - chúc mừng thầy giáo. Có vẻ như bạn ấy đang vui, đang hào hứng, đang ngập trong dư âm của ngày hôm nay. Nhận ra rằng rồi xa cũng đã dần xa. Dù muốn dù không cũng nhói lên 1 cảm giác. Khi yêu tưởng như hiểu nhau đến chân tơ kẽ tóc, khi không lại thấy bỗng dưng xa lạ dửng dưng. 
         Đêm chợt thấy mình trở nên nhỏ nhoi quá đỗi. Mỗi người đều có 1 phần hao khuyết trong lòng: là sự cô đơn, là mất mát, là chới với, là vô cảm, là chạnh lòng, là thiệt thòi, là yếu đuối...
        Tháng mười đêm lại dài hơn...

20 tháng 11, 2010

Món quà Mềm & Mọt tặng Mèo 20/11

            Ngày 20/11 năm nay thật khác. Mèo không còn là SV để kéo nhau cả lớp đến chúc mừng các thầy cô, cũng không phải là GV để vào "ban kiểm phiếu" ;)) Nhưng ít ra Mèo cũng vẫn có tí cái tiếng là đi dạy, có 1 "nhúm" học trò. 20/11- mò về quê vì có 1 event quan trọng. Mọt thì đi với lớp suốt 2 ngày, Mềm cũng í ới bạn bè, lượn lờ đến nhà các thầy cô. Mèo thì chả có ý định gì, cứ ôm khư khư cái điện thoại, rình tin nhắn chúc mừng, hehe! Thích nhất là có 1 đứa gọi điện "cô Nhung đang ở đâu thế? cô không đi cắm trại à?... Em mang hoa tặng cô mà chẳng thấy cô đâu!" Hie, đây là đứa mà Mèo đưa đi ăn trưa 2 lần (thảo nào nhớ đến cô). Rồi có 1 đứa Mèo không dạy nó, nó cũng gọi điện hỏi xem Mèo đang ở chỗ nào, nó đi tìm khắp các trại mà chả thấy Mèo đâu. (nó có biết Mèo đang ở cách nó gần 200 cây số đâu) Nó bảo: "lâu lắm rồi em không thấy cô lên SS, bây giờ cô dạy ở đâu?" (có thể là Mèo chẳng bao giờ lên đấy nữa T ạ). Thấy âm ấm trong lòng, cả trăm đứa học sinh, mong 1, 2 đứa yêu quý Mèo thật sự là Mèo vui.
           Thế nhưng Mềm & Mọt biết không? Điều bất ngờ nhất trong ngày hôm nay là Mèo được nhận quà của 2 đứa. Ai mà tin được chứ?! Mèo đi ăn cưới với mẹ về, thấy 2 đứa mặt cứ hơn hớn, rồi thì thầm ra vẻ bí hiểm, Mèo đã thấy...nghi nghi! Rồi thì Mọt ôm cái bánh đi đằng trước, Mềm giấm dúi bó hoa đằng sau. Mọt ấp úng: "Hôm nay, nhân ngày 20/11, em chúc chị học hành thành đạt...hết!" Ôi  trời ơi, Mèo suýt ngất. Cái thằng đầu trâu trán khỉ sao hôm nay lại "tử tế" với mình thế, lại chị chị em em rõ là...ngượng. Bó hoa xấu òm, cái bánh bé tí. Nhưng Mèo yêu! Thực sự thì đến Mèo cũng chẳng nghĩ là mình là GV nữa cơ. Thế mà 2 đứa lại tặng hoa, tặng quà cho Mèo. Mềm bảo, "đến giờ thì Mềm mới nhận ra rằng, những gì tốt nhất mình nên làm cho những người thân của mình trước đã" Mèo thật không biết nói sao. Mềm bắt đầu lớn khôn hơn rồi đấy!

  Cảm ơn Mềm & Mọt nhiều, rất nhiều!

Tri ân thầy cô


Cô à!
Thực sự em cũng không biết phải bắt đầu như thế nào? Có biết bao điều muốn nói trong ngày đặc biệt này, ngày tri ân các thầy cô giáo.
Em muốn cảm ơn cô! Có thể em đã cảm ơn rất nhiều lần nhưng mỗi lần nói cảm ơn, vẫn là vẹn nguyên cảm xúc. Và em biết cảm ơn thế nào cũng không đủ.
Cô có thể nghĩ rằng, mình đâu làm được điều gì to tát. Nhưng cô ơi, cô không biết được rằng những gì cô làm cho em có ý nghĩa lớn lao như thế nào đâu.
Trong cuộc đời học sinh của mình, có 3 người thầy em yêu quý và kính trọng nhất. Đầu tiên là cô giáo dạy em lớp 3. Cô là người rất nghiêm khắc, cũng là người rèn giũa cho em từ ngày em còn bé tí. Em còn nhớ buổi tối học kèm nhà cô, cô bắt học đến tận 10h, buồn ngủ thì cô lấy dầu xoa vào mắt cho tỉnh mà học. Cô đã mất khá lâu vì bị bệnh nhưng với em, đó là “người thầy đầu tiên” dạy cho em bao nhiêu điều, chỉ cho em thấy con đường học tập.
Thứ 2 là thầy giáo chủ nhiệm của em 3 năm cấp 3. Thầy có vẻ khô khan nhưng lại là người để lại cho em những tình cảm chân thành. Dòng chữ lưu bút năm lớp 12 thầy viết cho em “…hãy cố gắng là người học trò thầy suốt mấy năm liền thầy luôn tin tưởng và hy vọng…” Vì câu nói ấy mà em quyết định chọn sư phạm. Vì câu nói ấy mà em không cho phép mình ngừng cố gắng. Và em thấm thía 1 điều rằng, đôi khi chỉ 1 câu nói, 1 hành động của người thầy có thể làm thay đổi cả cuộc đời 1 một học trò.
Với cô, cô là người khiến em thấy quyết định học sư phạm của mình thật là may mắn. Ngay từ lần đầu gặp cô, em đã thấy thật ngưỡng mộ: 1 mẫu hình GV toàn diện. Cô trò cũng không thực sự có nhiều thời gian trò chuyện, chia sẻ nhưng không hiểu sao mỗi lần gặp cô em lại thấy có bao nhiêu động lực. Em biết để có như ngày hôm nay, cô cũng đã nỗ lực rất nhiều, cũng có những thất bại, cũng có những khó khăn…nhưng nó thực sự xứng đáng với cô. Cái em ngưỡng mộ ở cô không phải sự hào nhoáng về hình thức, không phải vì những gì người ta nhìn thấy mà em ngưỡng mộ lối sống của cô. Chừng mực, chân thành và luôn hướng tới hoàn thiện mình. Không có ai hoàn hảo, có những lúc cô cảm thấy chán nản, mệt mỏi, thất vọng, bon chen, so đo…nhưng điều quan trọng cô đã luôn sống “thật” nhất, giữ được những phẩm chất tốt đẹp. Em có đọc tất cả các entry trên blog của cô, hiểu cô hơn: bên cạnh 1 cô Tú bản lĩnh vững vàng trên bục giảng còn có 1 cô Tú đa cảm, dịu dàng; đôi khi lại là cô Tú yếu đuối, mỏng manh… Và dần dần, tất cả khắc họa nên 1 hình ảnh khá đủ đầy về cô.
Em đã qua rồi cái thủa “thần tượng” thầy cô giáo, coi thầy cô như những vị thánh. Thầy cô giáo cũng là con người, và chính những mặt chưa tốt rất con người ấy khiến họ trở nên trọn vẹn. Không hoàn hảo nhưng trọn vẹn.
Là học trò của cô, em học được nhiều điều.
- Là em học được, nếu cứ hết lòng vì học sinh, người thầy sẽ nhận lại được nhiều hơn thế.
- Là em học được, đôi khi hiểu biết không phải là nói những điều to tát, lên gân mà là ăn nói từ tốn, nhẹ nhàng.
- Là em học được, 1 người thông minh cũng giống như 1 dòng sông, càng sâu càng ít gây ồn ào.
- Là em học được, hạnh phúc thực sự của 1 người phụ nữ không phải kiếm được bao nhiêu tiền mà là nhận được bao nhiêu tình cảm yêu mến của những người xung quanh.
- Là em học được, cuộc đời không phải lúc nào cũng xuôi chèo mát mái, học hành không phải lúc nào cũng thuận lợi. Thành công là người chiến thắng sau cùng.
- Là em học được, tình cảm chân thành không được tính bằng những lời nói hoa mỹ, không bằng những món quà mà được thể hiện bằng ánh mắt, bằng nụ cười, bằng 1 cái siết tay hay 1 câu nói động viên đúng lúc…
Còn nhiều nữa những điều em học được từ cô. Em đã ra trường 1 năm, cũng đã đứng trên bục giảng, cũng hiểu được phần nào nỗi niềm của những thầy cô giáo. Ừ thì không có nhiều tiền để thỏa chí tang bồng, ừ thì làm thầy phải luôn mẫu mực (hơi2 mệt 1 chút, hiii) nhưng thật ấm áp khi được gọi là “thầy” là “cô”, được tôn trọng, được tự hào…
Em quả thật rất may mắn sinh ra lành lặn, có 1 gia đình hạnh phúc, đủ đầy, có những người bạn chân tình và được gặp những người thầy – người bạn lớn trong đời. Em vẫn còn trẻ con, ngông nghênh ngạo mạn, hay nản chí nhưng em hứa sẽ sống thật tốt, sẽ cố gắng hết sức để thực hiện ước mơ của mình, để không phụ lại sự tin tưởng của mọi người dành cho em.
Cô ơi, giả sử có 1 lúc nào đó em không còn nhớ chúc mừng cô ngày 20/11, em rất lâu không gặp lại cô, giả sử có 1 lúc nào đó em vô tình khiến cô buồn, thì mong cô tha thứ cho em. Bởi tận sâu trong lòng, em đã dành cho cô sự yêu quý, tôn trọng và lòng biết ơn sâu sắc.
Chúc cô sức khỏe, bình an, hạnh phúc với gia đình, với nghề nghiệp và với các thế hệ học trò!
Ngày nhà giáo Việt Nam năm 2010 - những lời tri ân của 1 đứa học trò nhỏ gửi người thầy của mình!

17 tháng 11, 2010

Đám cưới Yến

           Vậy là Yến đã lấy chồng. Trong lũ bạn cấp 3 thì có lẽ Yến là người khiến mọi người bất ngờ nhất. Là người duy nhất trong lớp chuyên Sử không phải dân Thanh Hóa (Yến quê Vĩnh Phúc), ấn tượng của Yến để lại cho tất cả mọi người là sự lạnh lùng, mạnh mẽ và cá tính.
           Không ai nghĩ rằng Yến lại là người thứ 3 lấy chồng trong lớp.
           Không ai nghĩ rằng Yến và chồng quen nhau từ trên mạng, trong 1 lần nhảy Au.
           Không ai nghĩ rằng Yến trở nên mềm mai, nữ tính, và..."tung tẩy" như thế.
           Mọi người đều cho rằng, một người khó tính, cầu toàn như Yến sẽ còn lâu mới tìm được 1 người phù hợp cơ. Nhưng mà suy cho cùng thì cũng hợp lý cả thôi.
           Có mình, Quỳnh và Dũng đi đám cưới. Cả bọn xuất phát từ 8h sáng, đi hỏi đường, lòng vòng mãi 10h cũng đến nơi. Lần đấu được ăn cỗ Vĩnh Phúc. Mâm cỗ khá đơn giản, nhưng không màu mè, hình thức; cảm giác vừa vặn, ngon miệng giống như 1 bữa cơm gia đình. Đám cưới không đông người lắm vì hôm nay cũng chỉ là rước dâu lấy ngày thôi, không ồn ào náo nhiệt như mình tưởng tượng nhưng đủ vui, đủ ấm cúng.
           Sống thật hạnh phúc Yến nhé! Hy vọng những điều tốt đẹp sẽ đến với cô bạn đầy nghị lực của tôi!
           Còn bây giờ là show ảnh này:
Cô dâu nhỏ xinh

Cô dâu nhí nhắng
Cô dâu nghịch ngợm

Tớ là chú rể đi đón dâu :))

Diễn sâu ;D

"Có nhất định phải chụp với tớ bằng được không?!" hehe
Chúc cô Yến hạnh phúc!

15 tháng 11, 2010

Entry for November 15, 2010

            Bạn vừa gọi điện cho mình, mượn số tài khoản để công ty trả lương. Vậy là cuối cùng bạn cũng đã có lương tháng đầu tiên. Nói như thế không có nghĩa là bạn thất nghiệp đâu nhé. Vì bạn đã "chịu" đi làm, bạn có nhiều sự chọn quá mà. 1 vị trí tốt trong 1 công ty nước ngoài, bạn hoàn toàn xứng đáng với điều đó! Chúc mừng bạn! ;) Bạn khoe SN mình thì bạn đang công tác trong TpHCM, tháng 1 lại đi Phú Quốc nữa. Ôi, ghen tỵ với bạn quá đi! ;(
           Vì cú điện thoại đó của bạn mà đang ngủ trưa mình bật dậy. Học ngay thôi nàng ơi! Học đi để được như bạn chứ nhỉ?!
           Hey!

14 tháng 11, 2010

Yêu bạn ;)

My loves
From: Quebachdan
To: Limsentau
           "Dear Limsentau!
            You know, we've been friend for along time (approxiately 10 years). During that time, you've been always a little angel who is beautiful, kind-heart and bringing the smiles to people around you. It's true! I swear. So I love you very much! ;)
            Wish my friendship would be forever! Do your best anh happiness will come to you.
             BFF: Quebachdan"
----------
Love Quebachdan! Love Mathoacuc! Love Kachiusa! Love Upamum! :)

28 tháng 10, 2010

Standby

            Ngày lớp 11, chị H đi học Đại học gửi về cho mình 1 tấm bưu thiếp về phong cảnh Huế: dòng sông Hương trong ánh chiều tà. Đẹp buồn, thơ mộng, lãng mạn. Không hiểu sao nhìn bức ảnh đấy mình cứ thấy bồi hồi, nao nao và luôn có 1 ý nghĩ rằng: nhìn thấy nó tức là mình phải cố gắng học, để đậu ĐH, để được làm SV như chị. Mình lồng ảnh vào trong khung kính để trên bàn học, cứ lúc nào xao nhãng là lại tự nhắc nhở mình.
            Ngày nay, mình đã tốt nghiệp ĐH, không còn thấy ĐH là điều gì ghê gớm nữa. Nhìn lại thì bao giờ cũng thấy cái mình đã đạt được là bình thường. Đã nghĩ rằng, ĐH là 1 cái gì đó đảm bảo cho tương lai giờ thì thấm thía, ĐH mới chỉ là bước đi chập chững đầu tiên. Nhưng cũng tệ là cái "đà" học hành đã dần rơi rớt hết. Cũng là cao học đấy, học dồn dập, rồi lại nghỉ, rồi lại dồn dập. Chả hiểu kiểu gì nữa, 1 năm rồi chắc chả thêm được gì vào đầu.
           Con đường thì mình đã vẽ ra phía trước, tất cả đã sẵn sàng, thế sao bắt đầu lại khó thế. Ăn-ngủ-chơi, cái điệp khúc ấy cứ tiếp nối nhau, dắt tay nhau dung dăng dung dẻ mà chưa có dấu hiệu gì là dừng lại cả. Ngồi cafe cùng ĐK, lòng quyết tâm như 1 quả bóng được thổi căng lên 1 lúc, về nhà lại xẹp lép. Chị M, chị H đã đi rồi, Rồi bạn T nữa! Mình muốn được như thế quá! Được đi, được bay, được ngắm nhìn thế giới rộng lớn, để thấy mình quá nhỏ bé trong đời này...
          Tất cả là tại mình thôi. Mình vẫn thế, chả tốt hơn được tí nào. Vẫn trì trệ, ù lì, chỉ ngụy biện là giỏi. Nhưng biết mà không sửa còn tệ hại hơn.
          Mệt mỏi với mình quá!

27 tháng 10, 2010

Cánh đồng bất tận & Đường Sơn đại địa chấn

            2 ngày liên tiếp xem 2 bộ phim khác nhau: 1 của Việt Nam và 1 của Trung Quốc nhưng cả 2 có 1 điểm chung là đều lấy được nước mắt của khán giả.
           "Cánh đồng bất tận" là bộ phim điện ảnh được trông đợi nhất trong năm. Phải nói rằng công tác PR của bộ phim quá tốt nên trước ngày công chiếu "cánh đồng bất tận" đã thu hút được sự quan tâm của đông đảo khán giả yêu điện ảnh. Đặc biệt với những ai đã đọc nguyên tác truyện ngắn của Nguyễn Ngọc Tư lại càng tò mò xem bộ phim này sẽ "làm được đến đâu" và "làm như thế nào" để lột tả được hết cái hồn của tác phẩm.
           Tôi chẳng am hiểu gì về điện ảnh, cũng chả dám sắm vai 1 nhà phê bình nhưng theo nhận xét chủ quan thì "Cánh đồng bất tận" là 1 bộ phim hay nhưng không phải bộ phim xuất sắc. Cảm giác khi xem xong phim là Tiếc. Tiếc vì phim có thể (và đáng ra) phải hay hơn thế. 120 phút với 1 bộ phim điện ảnh là thời gian chấp nhận được nhưng có những chỗ thừa và những chỗ thiếu.
           Tôi kỳ vọng nhất ở đoạn cuối: Nương bị cưỡng hiếp trước mặt người cha của mình. Và trong cơn đau đớn, tuyệt vọng, Nương không tên cha mà bản năng đã kêu cứu "Điền! Điền ơi!" - người em trai. Đây mới là đỉnh cao bi kịch của ông Võ. Nhưng đáng tiếc, bộ phim đã thay đổi chi tiết đắt giá này - Nương gào khóc "tía ơi, cứu con!". Nương của Nguyễn Ngọc Tư bất động lặng im nghe cơ thể 17 của mình bị xé toạc, lặng im để nước mắt lăn dài vì nghĩ đến mẹ. Nương của Nguyễn Phan Quang Bình lại la hét, giãy dụa. Rõ ràng cách diễn này không nêu bật được sự đớn đau cùng cực, ê chề, bất hạnh của Nương, chưa thể chạm đến tầng sâu cảm xúc của nhân vật. Đáng lẽ phải là 1 trường đoạn thì chỉ có vài phút ngắn ngủi. Đáng lẽ phải là sự lặng im thì lại "ồn ào" rất kịch. Đây là cái thiếu thứ nhất.
           Cái thiếu thứ 2 là đất diễn cho nhân vật Điền. Cảnh Điền ôm chiếc áo lót của Sương mà hôn là 1 cảnh diễn khó để thể hiện được sự đấu tranh quyết liệt của bản năng, lý trí và cảm xúc. Chi tiết này cũng diễn ra quá nhanh, quá nông khiến khán giả vẫn chưa thể hiểu rốt cuộc tình cảm của Điền dành cho Sương là thứ tình cảm gì: tình yêu nam nữ? tình yêu của con dành cho mẹ? hay em yêu chị?
          Thứ ba, là những cái thừa. Đó là sự rên rỉ, kêu than của Sương khiến người ta sốt ruột; là những cảnh quay ông Võ với Nương trên thuyền (khi không còn Sương và Điền) khiến bộ phim dài dòng, mệt mỏi.
          Thứ tư, bộ phim đã có những cảnh quay rất đẹp về sông nước miền Tây: những cánh đồng lúa vàng rực, những cánh cò trắng muốt, những đồng cỏ xanh rờn... Nhưng vì nó đẹp quá, "điện ảnh" qua nên có cảm giác đó là vùng quê trù phú, màu mỡ, chợ búa ồn ào mà không phải là sự cô độc, sự mêng mang, sự bế tắc, bất tận của kiếp người...
          Cuối cùng là cái kết của bộ phim: ông Võ trở thành người lái đò đưa trẻ em trong làng qua sông đến trường. Là 1 cái kết có hậu. Tôi cứ nghĩ rằng, giá như bộ phim kết thúc ở cảnh ông Võ phủ phục bên thân thể rách bươm của con gái, con thuyền từ từ trôi dần xa thì có lẽ hay hơn. Chất điện ảnh ở đây đã  buộc 1 cái kết khiên cưỡng để làm "tròn vai" của 1 bộ phim, so ra thì tầm thường so với nguyên tác.
          Điều đáng tiếc nhất, bộ phim chỉ mới vẽ nên được câu chuyện thương tâm của 1 cá nhân, 1 gia đình mà không khái quát lên được đó là cánh đồng của nhân nhân loại - cánh đồng của yêu thương, đau khổ và hận thù - cánh đồng bất tận...
--------------------------
           "Đường Sơn đại địa chấn" - bộ phim về trận động đất năm 1976 ở Tứ Xuyên khiến hơn 240.000 người thiệt mạng. Có thể nói, hình ảnh, âm thanh, diễn xuất đã lay động được mọi cảm quan của khán giả. Bởi bộ phim không hề diễn mà rất thật. Thật từ bối cảnh, thật từ diễn viên, thật từ logic tâm lý.
           Không hề chia thành các tuyến nhân vật, không có nhân vật phản diện trong phim. Nếu có nhân vật phản diện, họa chăng đó chỉ là "ông Trời" - đã gây nên tai họa khủng khiếp, làm tan nát trái tim của hàng triệu người. Kịch bản của "Đường Sơn đại địa chấn" tạo nên những nhân vật hoàn hảo, rất thật, rất "con người". Là cô bé Phương Đạt đầy oán trách nhưng khao khát tình thương; là bà mẹ nuôi vẫn có những nhỏ nhen, tầm thường bên cạnh 1 tấm lòng cao thượng; là Phương Đại - cậu em tưởng như ngông nghênh, ích kỷ nhưng sâu sắc; là bà mẹ bảo thủ, cực đoan ẩn trong trái tim vĩ đại...
           Cái hay nhất của bộ phim là khán giả như được hòa mình vào từng bối cảnh, cùng khóc, cùng đau đớn, cùng dằn vặt, cùng hận thù, cùng yêu thương...với nhân vật. Địa chấn bộ phim tạo ra không phải là cơn động đất kinh hoàng mà là những chấn động về tâm lý. 23s của cơn động đất dẫn đến sự chia lìa tình mẫu tử 32 năm. 32 năm với những diến biến tâm lý giằng xé, dằn vặt; với biết bao cay đắng tủi nhục, với sự đấu tranh quyết liệt trong tâm tưởng để cuối cùng khi lời "xin lỗi" vang lên là kết thúc đẹp và đầy ý nghĩa.
           Bộ phim đã tạo nên những dư vị khó quên. Cuộc sống quá ngắn ngủi, có những điều chúng ta không thể ngờ tới và "khi mất đi rồi mới biết thế nào là mất mát". Sự ấm áp của tình người, sự cao quý của tình cảm gia đình, sự thiêng liêng của tình mẫu tử. Đời người vẫn cần lắm sự thứ tha... Giá trị nhân văn sâu sắc là ở chỗ đó!

25 tháng 10, 2010

Mùa lũ

Lũ qua rồi, còn gì ở lại???
Thương lắm
Miền Trung ơi!!!

17 tháng 10, 2010

Mes lúc nửa đêm

- Đói bụng quá N ơi
- Sao không ăn gì đi. Chưa ăn gì à?
- Mưa to quá ngập nước nên k ra ngoài mua đồ ăn được. Còn 1 gói mì nhưng mất điện, không có nước để pha. Hm!
- Thương quá! thương quá!
- Thương quá là bằng mấy? có bằng quả dưa hấu k?
- Bằng 2 qủa dưa hấu.
- Năm nay dưa hấu được mùa hả? đang uống trà chanh àh?
..........
- Nhớ mọi người quá!
- Uh, thế đang làm gì đấy?
- Đang nằm nghe nhạc, hic, đói bụng k ngủ được. N đăng ăn gì? Đưa đây xem nào. Ái chà!!
- Đang ăn xúc xích, bánh ngọt, đùi gà rán. Ngon lắm.. chẹp!
- Ở đâu mà nhiều thế? mụ phù thủy đi Sirius mang đến cho N à?
- Haha. ai là phù thủy đấy?
- Hm, mụ phù thủy cao 1m74, bị cận thị. Sào huyệt của mụ ở 65 Lạc Trung ấy.
- Haha. biết rồi nhá! Mách!
.........

- N ơi, N đừng lấy chồng nhá! Hm
 - Sao thế?
- Vì...
- Dù thế nào thì mấy đứa vẫn luôn bên cạnh nhau mà.
- Sau này chết có chôn cạnh nhau không?
- K quan trọng! Khi chết gặp nhau trên thiên đường rồi.
- Hm. Cứ làm như ai cũng được lên ấy. Phải có tiêu chuẩn đấy. Nam cao 1m65, nặng 52kg, nữ cao 1m58, nặng 45kg trở lên mới được lên trên ấy.
- Thế chỉ có 3 đứa được lên thôi à? ;) 2 đứa kia đi đâu?
- Xuống...địa ngục! Muốn lên thiên đường thì 2 đứa nó phải có hộ khẩu bằng cách lấy chồng người thiên đường. Hehe.
- Hehe, ý B là gì hả?
- Cách tốt nhất ở bên nhau là lấy nhau. Hee, N, Q, D sẽ bốc thăm chọn lấy 2 người, đứa nào bốc trượt sẽ gả cho bạn T.
- Này, bạn T ở đấy có vai trò gì đấy?
- Thì giả đăng ký kết hôn để lấy hộ khẩu. có hộ khẩu rồi biến.
- ;D
- N thấy B có đểu không? Đểu nhỉ?
- Uh, đểu. Quá đểu luôn.
- Thì làm bạn với 1 thằng đểu như B thì sự tốt bụng, trung thực, trong sáng của N lại càng nổi bật. Hee.
- Haha. đáng yêu thế! yêu bạn thế! ;X
-Yêu cũng bằng thương, cũng bằng 2 quả dưa hấu à?
- Hie, nói chuyện linh tinh. Như 2 đứa dở hơi ấy. Ngủ đi, hâm quá!
- Uh, hâm thật. Thôi, đi ngủ, khò khò cho hết hâm
- Uh, ngủ đi nhá! ngủ ngon!!

16 tháng 10, 2010

Lạnh

            Thu lạnh. Trời mưa rả rích cả ngày làm ẩm những cơn gió. Hơi giá mang theo len lỏi, dù đã kéo cao cổ áo thi thoảng vẫn rùng mình. Co 2 chân lên ghế, ngồi thu lu, chống cằm xuống đầu gối, xuýt xoa. Bắt đầu lướt qua những trang báo mạng.
            "Quá khổ, cụ bà 80 tuổi muốn hiến xác sống". Như men rượu cay vẫn làm ta chuyếnh choáng, ngây ngất. Một cảm giác nôn nao, đau đáu tràn qua. Đã rất nhiều lần đọc được những bài báo kiểu như thế này, và vẫn biết cuộc đời đầy rẫy những hoàn cảnh éo le, bất hạnh. Vậy mà sao vẫn thấy xót xa?  Và ngạt thở.
           Ôi chao, "hạnh phúc sinh ra từ những khổ đâu, mất mát" cơ mà. Sao có những người cả đời phải đắp đổi bằng nước mắt, bằng bất hạnh? Không bao giờ đòi hỏi sự công bằng nhưng thắt ruột khi vô tình biết được đâu đó có những người phải phơi mình chịu mưa chịu rét. Những tiếng thở dài buông thoõng trong đêm. Những thân già còm cõi như quả trám khô vốn đã bị vắt kiệt bởi vất vả mưu sinh dường như nặng hơn khi phải oằn lưng gánh chịu nỗi đau về tinh thần. Trên đời này, còn có điều gì khủng khiếp hơn sự cô độc? Có lẽ, bản năng sinh tồn là sợi dây duy nhất níu giữ họ tồn tại trên đời này. Dẫu cho sợi dây ấy là mong manh và sự tồn tại ấy là lay lắt.
           Không bao giờ có thể quên được những hình ảnh ấy. Bóng một cụ già liêu xiêu, nhạt dần phía cuối con đường. Hai cha con mù tấp tểnh dắt nhau đi trên con đường đầy đá dăm mới đổ. Bàn tay dăn deo, khô nứt, run rẩy xòe ra mong hứng được chút ít tình thương rơi rớt. Đôi mắt mờ đục dõi cái nhìn mông lung ra con đường ướt nhòe phía trước... Như những cái đinh đóng vào trí nhớ. Thời gian trôi, đinh rút ra rồi nhưng vẫn còn đó những cái lỗ đánh dấu trong tâm tưởng. Chẳng hoen ố đi đâu mà ngày càng ngập sâu vào.
          Tự hỏi liệu họ có còn cảm xúc không? Dù có, dù không thì đều là cùng cực. Ừ thì cái đinh này sẽ được rút ra thôi nhưng sao vẫn thấy xót xa đến vậy? Bật khóc nức nở. Điên rồ sao? Có thể lo cho cả thiên hạ được ư? Nhưng...bàn tay còn có kẽ hở, ít ra cũng ấp ủ thêm được 1 bàn tay.
Có tàn nhẫn lắm không khi mong rằng họ chết đi. Sẽ không còn buồn đau được nữa. Sẽ đến một thế giới bình yên. Chỉ có bình yên mà thôi.
           Đêm nay lại cuộn mình trong chăn ấm, chấp chới ngoài kia mưa lạnh thấm vai mòn...
                    Ngày mai gối ướt...
                                      Tái tê...

Hoàng hôn dốc

"Hoàng hôn dốc
Em đứng một mình
Hoàng hôn dốc
Mình em khóc
Khi ta đi ngang em
Nhìn nghiêng, một giọt nước mắt rơi
Khi ta vượt qua em
Nhìn lại, em nước mắt đôi dòng
Vì sao em lại khóc?
Vì sao em?
Vì sao?
Rừng thông vẫn rì rào mà rừng thông nào biết
Con đường vẫn quanh co mà con đường thờ ơ
Chỉ có bông hoa cỏ ven đường nơi em vừa đứng
Còn rưng rưng giữ lại một giọt sương..."

15 tháng 10, 2010

Ngày gió

            Hà Nội những ngày cuối thu, gió vi vút hơn, lá cây xào xạc hơn, bầu trời dường như cũng rộng dài hơn. 5 năm rồi, tưởng là dài mà vẫn chưa đủ để cảm hết cái hồn của mùa thu Hà Nội.
            Buổi sáng dạo qua một loạt các trung tâm Anh ngữ, khởi động cho kế hoạch đáng lẽ ra phải bắt đầu từ rất lâu rồi. Theo thói quen (và sở thích), định ghé vào rạp Quốc gia xem phim nhưng những cơn gió thu se lạnh cứ vấn vít, quẩn quanh. Trời đẹp khiến ta chẳng nỡ dừng chân, vòng xe chầm chậm trên những con phố nhỏ, hếch mũi lên hít hà mùi hương của hoa sữa thoảng, để mặc những ngọn gió lay vào mặt. Dịu dàng, dịu dàng...
            "Đi mua sách!" Nếu như hỏi địa chỉ những món ngon Hà Nội, nếu như hỏi tuần này ngoài rạp chiếu phim gì, ta có thể trả lời không đắn đo. Vậy mà những phố sách ở đâu thì ta không biết. Tệ quá! Đã có thời mê sách, yêu sách đến quên ăn quên ngủ. Vậy mà suốt 5 năm trời, chưa hề mua 1 cuốn sách nào ngoài giáo trình. Để đến khi sờ tay vào những chồng sách, lật giở từng trang còn thơm mùi giấy mới. Để đến khi đắm mình vào cả một kho sách. Để đến khi trốn vào 1 góc, đọc say sưa dù chỉ một vài trang ngắn ngủi. Mặc cảm, rưng rưng...
            Chọn được 3 cuốn sách, muốn vòng ra Tràng Tiền ăn 1 que kem mát lịm, nhưng rồi quyết định ghé trà chanh Nhà Thờ. Lên phố cổ nhiều lần nhưng lần nào cũng vội vàng, gấp gáp. Nghe nói trà chanh cũng nhiều nhưng "ừ, thôi để khi khác!" Tranh thủ nhiều thành ra lỗi hẹn. Lần này nhất định không bị lôi tuột đi bởi những lý do mà ta thừa biết đó là ngụy biện.
           Vài chiếc ghế nhựa, 2 cốc trà chanh, 1 đĩa hướng dương trên vỉa hè nhỏ. Bên cạnh là Nhà Thờ. Chật chội mà không thấy khó chịu. Rôm rả mà chẳng hề ồn ào. Anh chủ quán nhanh nhẹn, hài hước và dễ chịu. Em bé 3, 4 tuổi thi thoảng chạy lại nhón vài hạt hướng dương của khách. Nhấm nháp vị trà chanh ngòn ngọt, thơm thơm, tí tách cắn hướng dương, lôi quyển sách ra đọc. Và...tiếng chuông Nhà Thờ! Giật mình, ngẩng mặt lên, tích tắc ngỡ như đang ở trong 1 câu chuyện cổ tích. Bình yên là đây! Hà Nội là đây!
          Chỉ đơn giản vậy thôi. Chọn được 1 cuốn sách hay, tìm được 1 góc nhỏ để lắng mình lại, thấy cuộc sống trong trẻo lạ lùng!
           Một ngày gió...
           Một ngày thong thả...
           Một ngày bình yên...

13 tháng 10, 2010

Ôi cái cuộc đời này

            Ngày hôm nay quyết tâm hoàn thành bài tập để ngày mai nộp. Thế mà mãi vẫn chẳng nghĩ ra thứ gì. Bỗng muốn viết 1 điều gì đó...
           Nửa tháng vừa rồi bận bịu lu bù. Chị nằm viện, em gái ra chơi Đại lễ. Lịch trình ngày nào cũng là: bệnh viện - về nhà - bệnh viện; rồi những ngày sau đó là nấu ăn - đi chơi - nấu ăn - đi chơi... Kể ra thì cũng thật là vui, mấy anh chị em tụ tập ăn uống, đi chơi, chụp ảnh... Hôm nay thì đâu lại vào đấy rồi, mọi người trở về quê, còn lại một mình ở phòng trọ. Ngày hôm nay gió lặng, con ngõ nhỏ vẫn yên tĩnh như mọi khi. Chỉ nghe thấy tiếng quạt kêu ù ù và lạch cạch gõ máy tính.
         Muốn làm bài tập mà chẳng làm được. Muốn viết 1 cái gì đó cũng chẳng viết được. Không có hứng thú là như thế đấy!
         Ôi cái cuộc đời này! ^^

Nhiều khi

(Trích: blog của Yumi)         
          Nhiều khi, tôi muốn chỉ hờ hững thôi... Có ai bên tôi để cảm thấy cuộc đời bớt đi trống trải....Chẳng cần phải ở bên tôi mãi mãi, nhưng phải luôn luôn và mãi mãi giúp tôi...
         Chẳng phải tôi ủng hộ những mối quan hệ dễ dãi.... Nhưng liệu có thể nào... Chỉ như người tình hờ.... Đừng hứa rằng sẽ ở bên nhau mãi.... Đừng cố gắng xây lâu đài tình ái.... Để cuối cùng chỉ còn gió cuốn cát tàn phai... Để cuối cùng lâu đài cũng vỡ, mà tình cũng mất... mà người cũng ngây ngất vì đau...
         Có thể nào chỉ như... tình hờ của nhau... Làm mọi thứ trừ gắn kết để khiến nhau đau sau này nhiều lắm...
         Có thể nào chỉ như ...tình hờ của nhau.... Cũng say đắm nhưng không quá lắm... muộn phiền...
         Có thể nào cũng sẽ yêu như điên.... nhưng sẽ thôi nghĩ về tương lai triền miên.... Chỉ cần biết... là hôm nay hạnh phúc.... Chỉ cần biết... đến cảm xúc lúc này....
         Có thể nào chỉ như tình hờ của nhau... Tình cờ va đập rồi yêu nhau thoáng chốc.... Không nặng nhọc để rồi hóa ngẩn ngơ... Không thương nhớ để... thẫn thờ mệt mỏi?
         Có thể nào chỉ như.... người đi qua đời nhau... dừng lại chút rồi rong chơi tí tẹo... Chứ đừng nhẫn tâm găm lên nhau vết sẹo... Để lòng buồn tình đau... hệ lụy theo...
        Nếu tôi yêu một người đàn ông có vợ? Điều đó có phải thất đức lắm không? Nhưng nếu tôi sẽ không giành giật, để cho người ấy cứ về với vợ của mình. Còn tôi chỉ đóng vai người tình, vì người tình thì mới được chăm lo, chiều chuộng?
        Tôi bỗng dưng muốn thế... Nhưng liệu tôi có thể? Việc làm đó có ác lắm không?
        Nếu tôi yêu một người đàn bà có chồng? Vẫn để cô ấy đi về với đàn ông - người là chồng của riêng cô ấy?
        Việc làm đó có trái đạo lý lắm không? Nhưng không phá hoại, chỉ dùng chung, sao ác?
        Nếu tôi yêu ai đó đã có người khác rồi? Điều đó sẽ không là phá hoại chứ? Chỉ như tình hờ... thì cớ gì ghen tuông... lẽ nào lồng lộn... vì gì vỡ vụn...
       Cuối cùng tôi không đang yêu ai... như những gì thoáng qua trong đầu tôi vừa nghĩ...
        Nhưng...
        Chỉ như tình hờ... điều này hay ho nhỉ?
        Được chiều chuộng, được yêu thương... khi vấp ngã, khi vật vã... có người nâng kẻ đỡ... Nhưng sẽ không cần phải quá trông chờ... chỉ vui thôi... ko buồn đau được nữa....